Tuy nhiên, để người thu nhập thấp, công nhân KCN thuận lợi, có thêm cơ hội, điều kiện tiếp cận được với NƠXH cần phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những rào cản đối với lĩnh vực này.
Hàng trăm NƠXH được triển khai xây dựng
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, chính sách phát triển NƠXH để bán, cho thuê, thuê mua nhà ở đối với các nhóm đối tượng chính sách theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức và công nhân KCN không có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, có cơ hội tạo lập và cải thiện nhà ở.
Tính đến nay, cả nước đã có 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích đất hơn 1.983 ha.
Đồng thời, cả nước đã hoàn thành 307 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157,1 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 7,95 triệu m². Đang triển khai 418 dự án với quy mô xây dựng khoảng 432,4 nghìn căn, với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m². Đối với chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân KCN đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62,7 nghìn căn hộ, với tổng diện tích 3,12 triệu m². Cùng đó, đang triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160,9 nghìn căn hộ, tổng diện tích khoảng 8 triệu m².
Chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 4,3 nghìn căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,81 triệu m². Đang triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271,5 nghìn căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,52 triệu m².
Tính từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023, tổng số lượng NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 20 dự án với tổng số khoảng 37,7 nghìn căn. Trong đó, NƠXH có 17 dự án quy mô 34,4 nghìn căn và nhà ở công nhân có 3 dự án quy mô 3,3 nghìn căn.
Đối với chương trình phát triển NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14,2 nghìn căn hộ. Đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161,2 nghìn căn hộ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 9 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN được khởi công với tổng số khoảng 18,7 nghìn căn.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19,5 nghìn căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288,4 nghìn căn.
Cụ thể, chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân KCN hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5,3 nghìn căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127,2 nghìn căn hộ.
Gỡ vướng mắc, khơi thông các nguồn lực phát triển NƠXH
Mặc dù đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, chính sách phát triển NƠXH vẫn gặp một số vướng mắc.
Vướng mắc thứ nhất: Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất. Theo đó, việc xác định diện tích đất ở dành để xây dựng NƠXH tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Từ đó, dẫn đến thiếu quỹ đất để phát triển NƠXH.
Vướng mắc thứ hai: Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh BĐS. Từ đó, dẫn đến trong thời gian qua việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH tại các địa phương bị “ách tắc” kéo dài làm tăng chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Vướng mắc thứ ba: Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân KCN đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.

Vì thế, nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này bỏ không và chủ đầu tư không được bán, từ đó không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng NƠXH, nhất là NƠXH để cho thuê.
Vướng mắc thứ tư: Quy trình xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định mất nhiều thời gian gây ảnh hưởng và tốn kém cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê - mua NƠXH chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý khác của doanh nghiệp, đồng thời lợi nhuận định mức quy định không vượt quá 10%.
Vướng mắc thứ năm: Luật Nhà ở 2014 có quy định chưa có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ (trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động) là đối tượng được thụ hưởng chính sách NƠXH. Đặc biệt, nhu cầu của các đối tượng này là rất lớn để lo nhà ở cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp.
Vướng mắc thứ sáu: Các đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH khi mua, thuê, thuê mua NƠXH không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có NƠXH, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện. Do đó, người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ.
Vướng mắc thứ bảy: Ngân sách Trung ương vẫn chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở công nhân. Trong khi, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Vướng mắc thứ tám: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, KCN.
Chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH. Trong khi công tác cải cách thủ tục hành chính còn kéo dài.
Ngoài ra, doanh nghiệp BĐS lớn chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (trong tháng 10/2023).
Theo đó, dự án Luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển NƠXH. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các Luật: Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh BĐS, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án NƠXH.
Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở KCN bao gồm: NƠXH và nhà lưu trú cho công nhân...
Đặc biệt, về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua NƠXH, bỏ tiêu chí về cư trú. Theo đó, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở.
Như vậy, các vướng mắc, bất cập trên, khi được xử lý, tháo gỡ kịp thời sẽ khơi thông, thúc đẩy phát triển NƠXH. Đồng thời, giúp cho người thu nhập thấp, công nhân KCN có thêm cơ hội tiếp cận với NƠXH, góp phần cải thiện về nhà ở theo hướng ngày một tốt hơn.
Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở KCN bao gồm: NƠXH và nhà lưu trú cho công nhân. Đặc biệt, về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua NƠXH, bỏ tiêu chí về cư trú. Theo đó, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở.