Để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

14:59 27/09/2023
Cả nước hiện có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các KCN, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Nhưng, NƠXH dành cho công nhân KCN mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân. Cũng có nghĩa là, còn 70% công nhân các KCN, KCX vẫn sống trong điều kiện tạm bợ, thiếu an toàn.

Bài 1: Mong muốn một nơi an cư 

Nhu cầu về một chỗ “an cư” của công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang là vấn đề thời sự nóng bỏng, cấp thiết tại nhiều cụm, khu công nghiệp (KCN), đô thị lớn.

Chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mua nhà

Căn hộ diện tích chỉ vẻn vẹn 20m² mà gia đình chị Bùi Thị Thanh Nhàn, đang thuê trọ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đến nay đã 13 năm.

Quê gốc ở Ninh Bình, sinh năm 1991, chị Nhàn thoát ly đi làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long rồi kết hôn, sinh con. Suốt 13 năm qua, nơi nhà trọ tạm cư chẳng thay đổi, nhưng cuộc sống của chị Nhàn đã khác với một gia đình nhỏ 4 người (gồm: vợ, chồng và hai con).

Tất tật, mọi sinh hoạt của gia đình chị Nhàn đều gói gọn trong căn phòng trọ 20m² với khoảng không gian chật hẹp phải “chia” đều cho các mục đích sử dụng khác nhau như: chỗ nấu ăn, chỗ tắm giặt, vệ sinh và một khoảng trống để đủ để ăn cơm sinh hoạt chung, cùng một chiếc giường để gia đình ngủ chung.

Chị Nhàn tâm sự, chồng chị là lao động tự do nên thu nhập chỉ khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, vì thế tổng thu nhập của 2 vợ chồng một tháng chỉ ở mức 10-12 triệu đồng.

Trong khi đó, mức chi phí cho thuê nhà trọ đã chiếm khoảng 1,8 - 2 triệu đồng. Số tiền lương ít ỏi còn lại của 2 vợ chồng sẽ dành đóng học cho con và dùng để trang trải sinh hoạt cho cả gia đình.

Vì thế, theo chị Nhàn, hầu như tiền lương đi làm chỉ đủ ăn, thậm chí có tháng trong năm, có việc đột xuất ngoài “kế hoạch” gia đình chị phải vay mượn thêm để chi tiêu. Đây cũng chính là lý do chị Nhàn và gia đình chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mua nhà ở xã hội (NƠXH), mặc dù gần nơi chị ở và làm việc cũng có dự án NƠXH mở bán.

“Mong muốn có một chỗ ở rộng rãi, an toàn hơn về PCCC, bảo đảm an ninh trật tự nhưng do thu nhập thấp, nguồn tài chính eo hẹp kể cả khi nắm bắt được chủ trương, chính sách về mua NƠXH nhưng gia đình em cũng đành chấp nhận đi thuê nhà trọ vì không có đủ tiền mua và giá NƠXH còn khá cao so với với thu nhập hiện tại của gia đình” - chị Nhàn bày tỏ.

Khu nhà gia đình chị Bùi Thị Thanh Nhàn thuê trọ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. 

Tuy nhiên, chị Nhàn vẫn mong muốn nếu có dự án NƠXH mở bán dù không có đủ khả năng tài chính để mua, nhưng nếu được xét duyệt để thuê NƠXH với giá thấp, ưu đãi theo quy định của nhà nước, chị cũng sẽ “đánh liều” đăng ký thuê cho gia đình ở. Vì khi thuê NƠXH, cả gia đình sẽ được sống trong căn hộ rộng rãi và điều kiện sống tốt hơn không phải lo lắng về cháy nổ, an ninh trật tự...

Nhìn về phía khu NƠXH, chị Nhàn buột miệng “Chắc khi nào dư ra một khoản tiền tiết kiệm thì lúc đó mới dám nghĩ tới mua NƠXH”.

Tương tự như hoàn cảnh của gia đình chị Nhàn, chị Nguyễn Thị Thu Trang quê ở Phú Thọ là công nhân đang làm việc tại Công ty Matsuo Việt Nam trên địa bàn Hà Nội, đang phải đi thuê nhà để sinh sống và làm việc, cũng mong mỏi có thể sớm tiếp cận được nhà ở giá rẻ, cải thiện chỗ ở cho gia đình.

Chị Trang cho biết, chị sinh năm 1989, có thâm niên 16 năm làm công nhân thì cũng là từng ấy thời gian chị đi thuê trọ để sinh sống và làm việc. Hiện tại, chị đã lập gia đình, có chồng và hai con sống tại căn nhà đi thuê gần nơi làm việc có diện tích khoảng 40m². Dù không được tiện nghi và đầy đủ nhưng căn nhà gia đình chị Trang thuê cũng đáp ứng tạm thời về chỗ ở, sinh hoạt của gia đình 4 thành viên đi về sau khi hết giờ làm việc.

Chị Trang chia sẻ, lương mỗi tháng của chị được 8 triệu đồng, chồng cũng chỉ thu nhập mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Vì thế, sau khi trang trải các khoản tiền thuê nhà, điện nước và đóng học cho con cũng như chi tiêu cho cuộc sống gia đình thì cũng không còn dư được đồng nào. Bởi vậy, chị chưa từng nghĩ đến việc mua NƠXH vì tiền, kinh phí không dôi dư để mua.

“Công ty từng có thông báo về việc điều kiện mua, bán NƠXH để công nhân nắm bắt, tìm hiểu, nhưng do điều kiện thu nhập, đồng thời kinh tế không cho phép nên chưa bao giờ mình dám nghĩ đến việc mua nhà” - Chị Trang than thở.

Theo quy định và các chính sách hiện hành của Nhà nước, NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN thường có giá thấp hơn so với các loại nhà ở khác. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng hỗ trợ mua NƠXH đang được triển khai đã góp phần giúp người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận để mua NƠXH, nhằm an cư với điều kiện phải đáp ứng được các quy định về nhà ở, cư trú, thu nhập.

Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này đã được ban hành, áp dụng triển khai, tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện và thu nhập để có thể mua được NƠXH phù hợp với điều kiện thu nhập bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, hiện vẫn có nhiều gia đình công nhân, lao động có thu nhập thấp, trung bình như chị Nhàn, chị Trang làm việc tại các cụm, KCN, phải đi thuê nhà trọ bên ngoài để ở với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không được đảm bảo an toàn.

Công nhân, người thu nhập thấp có nhu cầu lớn về NƠXH

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trên phạm vi cả nước hiện nay có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 nghìn ha. Trong đó, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 ngàn ha và 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên khoảng 34,7 ngàn ha.

NƠXH dành cho công nhân KCN mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân tương đương với khoảng 12,5 triệu m² sàn.

Từ câu chuyện thực tế nêu trên về nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân KCN hiện nay, liên hệ với số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố cho thấy, cả nước hiện hiện có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các KCN, khu chế xuất (KCX), trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Như vậy, NƠXH dành cho công nhân KCN mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân tương đương với khoảng 12,5 triệu m² sàn.

Dẫn số liệu minh chứng cho nhu cầu về NƠXH cho công nhân tại các cụm, KCN tại một số địa phương, bà Nguyễn Hồng Vân - Phó Giám đốc dịch vụ tư vấn & định giá Savills Hà Nội cho biết, tính đến tháng 6/2023, TP Hải Phòng tập trung 14 KCN và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 200 nghìn lao động, trong đó có khoảng 50 nghìn lao động nhập cư.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc dịch vụ tư vấn & định giá Savills Hà Nội, trong tương lai, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục lên kế hoạch phát triển thêm 15 KCN và dự kiến cần khoảng 300 nghìn lao động, theo đó cần phải đáp ứng nhu cầu 1,5 triệu m² sàn nhà ở cho công nhân.

Cũng theo tìm hiểu, tại tỉnh Bắc Ninh, địa phương tập trung nhiều KCN lớn đang có hơn 152 nghìn công nhân, người lao động đang làm việc. Trong số đó, có hơn 75 nghìn công nhân có nhu cầu thuê nhà để ở, chiếm khoảng 50%.  

Số liệu từ Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn NƠXH. Trong đó, đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn, đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 1,2 triệu/2,7 triệu công nhân KCN có nhu cầu về nhà ở. 

Theo đánh giá của ông Vũ Minh Tiến, Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhu cầu mua nhà của công nhân làm việc tại nhiều KCN ở các địa phương như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là rất lớn, chiếm 70-80%.

Tuy nhiên, họ lại gặp khó về thu nhập. Chỉ một số ít người mua được NƠXH. Chính điều này, đã dẫn đến tình trạng, công nhân, người lao động phải tìm thuê nhà trọ ở ngoài và mua những căn hộ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh sống. Cùng đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. 

Chưa có điều kiện mua NƠXH nhưng nhiều công nhân làm việc tại các KCN vẫn mong muốn có thể thuê NƠXH giá rẻ với không gian rộng rãi, an toàn và không phải lo lắng về cháy nổ, an ninh trật tự...

Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đa phần công nhân làm việc trong các KCN đi thuê nhà trọ thường sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây dựng. Trong khi đó, những căn hộ, khu nhà trọ này lại chưa đảm bảo, tuân thủ các điều kiện về an toàn PCCC, an toàn kết cấu. Vì thế, tiềm ẩn nhiều nguy, thiếu an an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng để ở, sinh sống. Chính vì vậy, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Để giải quyết vấn đề NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN, ngày 03/4/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030", trong đó, đặt ra mục tiệu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634,2 nghìn căn. 

Đặc biệt, Đề án nhấn mạnh việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN, khu chế xuất.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.

Đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Các chuyên gia cho rằng, đa phần công nhân làm việc trong các KCN đi thuê nhà trọ thường sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây dựng. Trong khi đó, những căn hộ, khu nhà trọ này lại chưa đảm bảo, tuân thủ các điều kiện về an toàn PCCC, an toàn kết cấu. Vì thế, tiềm ẩn nhiều nguy, thiếu an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng để ở, sinh sống. Chính vì vậy, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

Bình luận