Chuyên gia UOB dự báo:

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trước bối cảnh “thương chiến” toàn cầu

15:37 27/03/2025
Ngày 26/3, Ngân hàng UOB Việt Nam đã tổ chức sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025” với sự tham gia của hơn 200 khách hàng cùng các chuyên gia hàng đầu đến từ Ngân hàng UOB Việt Nam (UOB Việt Nam), Ngân hàng UOB (Singapore) và Công ty CP Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam).

Tại sự kiện, các chuyên gia từ UOB và UOBAM Việt Nam đã cung cấp những nhận định đa chiều về tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 trước những thách thức về thuế quan thương mại dưới chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump, dự báo về tăng trưởng GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), triển vọng thị trường chứng khoán và chiến lược đầu tư trong năm 2025. 

UOB giúp khách hàng quản lý tài sản trong giai đoạn nhiều bất ổn

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ đối diện nhiều bất ổn từ những chính sách khó đoán định của tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump. Cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức độ mở cao về thương mại như Việt Nam.

Tuy nhiên, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với các động lực mạnh mẽ đến từ dòng vốn FDI liên tục tăng, đầu tư công mở rộng, cơ hội từ ngành bán dẫn, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Ông Paul Kim - Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Paul Kim - Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Việc nắm bắt sát sao những thông tin cập nhật thị trường và được tư vấn từ các chuyên gia tài chính hàng đầu, chẳng hạn như các cố vấn của UOB, sẽ giúp các khách hàng có những phương án phù hợp cho việc quản lý tài sản trong giai đoạn nhiều bất ổn như hiện nay”.

Tại UOB, chúng tôi luôn đồng hành cùng các khách hàng trong mọi giai đoạn với các giải pháp tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ tiết kiệm đến đầu tư và bảo vệ. Đồng thời, đội ngũ chuyên gia của UOB với chuyên môn và am hiểu sâu sắc về kinh tế khu vực và địa phương luôn sẵn sàng tư vấn những giải pháp và chiến lược tài chính thích hợp, giúp khách hàng ứng phó với những thay đổi thường xuyên của thị trường. Đó chính là cách UOB luôn đồng hành và giúp các khách hàng đạt được mục tiêu, khát vọng tài chính của họ.

Bên cạnh đa dạng sản phẩm tài chính, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, khách hàng ưu tiên của UOB Việt Nam khi gửi tiết kiệm còn được tặng thêm đến 0,3%/năm trên lãi suất tiền gửi cơ bản, miễn phí thường niên thẻ tín dụng, miễn phí sử dụng két sắt cao cấp, chuyển tiền đi nước ngoài với hạn mức cao và phí chuyển đổi ngoại tệ ưu đãi.

Đến với UOB, khách hàng ưu tiên thường xuyên di chuyển bằng máy bay cho nhu cầu công việc hoặc du lịch sẽ được miễn phí sử dụng dịch vụ làm thủ tục nhanh tại sân bay và tặng thêm kg cho hành lý, giúp hành trình bay trở nên thoải mái và nhanh chóng.

Cuộc chiến thương mại toàn cầu

Theo ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore), tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2025 dự kiến sẽ chậm lại nhưng vẫn trong giai đoạn mở rộng, triển vọng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các các chính sách của Tổng thống Trump, vốn vẫn chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại và sự phân hóa tăng trưởng có thể xảy ra theo hướng: Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, trong khi đó các nền kinh tế khác phải đối mặt với trở ngại thương mại.

Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore).

Theo ông Abel Lim, các chính sách của Tổng thống Trump theo hướng “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên kinh tế thế giới từ các khía cạnh sau: Thuế quan tăng cao làm gián đoạn hoạt động thương mại song phương, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến các biện pháp thuế trả đũa từ các đối tác thương mại quan trọng, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, dẫn đến sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu.  Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang các nhà cung cấp khác, đáng chú ý là Brazil – quốc gia đã thay thế Mỹ trở thành nguồn cung đậu nành hàng đầu cho Trung Quốc. Những thay đổi này không chỉ làm suy giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu Mỹ mà còn tạo ra sự phân mảnh trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Điều này cũng tạo điều kiện cho các đối thủ như Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua các hiệp định thương mại như RCEP, làm suy yếu vị thế lãnh đạo thương mại toàn cầu của Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc bằng cách chuyển hướng sản xuất và nguồn cung sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, nhằm tránh tác động của thuế quan. 

Ông Abel Lim nhận định, với các nền kinh tế ASEAN, do phụ thuộc nhiều vào thương mại và gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Thái Lan có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với thuế quan hoặc các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ, do cả hai nước này đều có thặng dư thương mại với Mỹ.  Với mức độ mở cửa cao, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước các gián đoạn trong thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh Mỹ tập trung vào vấn đề mất cân bằng thương mại.

Nếu ASEAN trở thành mục tiêu áp thuế, xuất khẩu sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Tuy nhiên, nếu thương mại nội khối ASEAN hoặc nội khối châu Á duy trì ổn định, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, những yếu tố này có thể giúp bù đắp tác động tiêu cực và hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực...

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam: Kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực BĐS.

Ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam.

Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khoảng 875 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ USD), tăng mạnh so với số thực giải ngân năm 2024 là 568 nghìn tỷ đồng đã và đang tạo động lực thúc đẩy đầu tư khu vực công, làm gia tăng niềm tin đối với các lĩnh vực kinh tế khác cùng hướng đến sự phát triển.

Mặc dù vậy, ông Lê Thành Hưng cũng đặt vấn đề về tác động đối với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump với 2 mối quan tâm chính. Đó là, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng từ Việt Nam; áp lực lên tỷ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng mạnh. Mối quan tâm này xuất phát từ việc Mỹ đang là đối tác thương mại có kim ngạch thương mại song phương đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) và có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trước động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng chính sách thuế như một công cụ để đưa các bên vào bàn đàm phán nhằm thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ, ông Hưng đưa ra một số giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Song song đó, chúng ta cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đa phương, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ngành Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10,7 - 15% trong năm 2025.

Ông Hưng nhận định kế hoạch đầu tư công của Việt Nam năm 2025 vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều dự án trọng điểm như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (tổng vốn 67,3 tỷ USD; năm 2027 khởi công); Sân bay Quốc tế Long Thành (tổng vốn 16 tỷ USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025), Nhà máy điện hạt nhân…

Cũng theo đại diện UOBAM (Việt Nam), ngành công nghệ cao chính là động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2025 - 2050. Trước việc Mỹ hạn chế công nghệ bán dẫn từ Trung Quốc sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trên đường dài trong 25 năm tới.

Triển vọng ngành bán dẫn Việt Nam là khả quan bởi hiện đã có một số doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam như: dự án Amkor Technology với tổng vốn 1,6 tỷ USD; dự án Marvell and Synopsys; dự án Hana Micron vốn 1 tỷ USD và Samsung cam kết đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Về chiến lược đầu tư năm 2025, đại diện UOBAM (Việt Nam) nhận định tích cực về triển vọng của nhóm ngành tài chính và BĐS khu công nghiệp. Ngành ngân hàng với tỷ trọng cao nhất trong VN-index vẫn sẽ là ngành dẫn dắt chỉ số. Tăng tưởng tín dụng cao năm 2025 là động lực cho ngành ngân hàng năm nay.

Bình luận