Lâm Đồng sớm lập bản đồ phân vùng rủi ro khu vực ngập úng, sạt trượt

07:41 23/09/2023
Ngày 22,9, tại TP Đà Lạt, Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lĩnh vực xây dựng, địa chất hàng đầu tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra ở các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có địa hình dốc lớn như quốc lộ 20, 27, 27C, 28…; một số ngày có lượng mưa lớn 100-190mm/ngày đã gây ra một số vụ sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng lũ, ngập lụt tại TP Đà Lạt thường xuyên xuất hiện tại các khu vực dọc suối Cam Ly (các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Phan Đình Phùng, Hải Thượng…) và có dấu hiệu ngày càng tăng.

Khu vực sạt trượt tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (ảnh chụp ngày 21/9/2023). Ảnh: Đoàn Kiên

Sau khi phân tích nguyên nhân gây ngập, sạt lở tại TP Đà Lạt và các khu vực khác ở Lâm Đồng, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp về quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật; công nghệ giải pháp và dự báo, cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro sạt trượt.

Chuyên gia Takami Kanno, Công ty Kawasaki (Nhật Bản), đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc lập bản đồ phân vùng rủi ro trượt lở đất tại Nhật Bản giúp các đơn vị chủ động trong việc phòng ngừa sự cố.

Theo chuyên gia, tỉnh Lâm Đồng cần lập bản đồ phân vùng rủi ro đối với khu vực ngập úng và sạt trượt, trong đó lưu ý nguyên nhân do lượng mưa thì sẽ tồn tại nguy cơ nào, ở đâu và thời điểm nào bộc lộ rõ ràng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đánh giá, tình trạng khá phổ biến tại Đà Lạt là các công trình xây dựng xâm hại mái dốc có quy mô lớn, khẩu độ to, nhiều tầng bám vào mái dốc nhưng giải pháp kỹ thuật lại thiếu kinh nghiệm xử trí hoặc quá tiết kiệm chi phí. Do đó cần phân tích các rủi ro để ngăn ngừa khi xây dựng vùng gò, đồi; phải khảo sát địa chất kỹ để biết tính chất của đất gò, đồi.

Ông Nguyễn Văn Hiệp cũng chỉ ra một bất cập hiện nay là hầu hết nhà ở riêng lẻ đã không thực hiện khảo sát địa chất do tốn kém, trong khi quy mô nhà ở riêng lẻ ngày càng to.

“Tỉnh Lâm Đồng cần sớm ban hành quyết định mang tính đặc thù của địa phương trong quản lý các công trình xây dựng vùng gò, đồi nhằm bổ sung các nội dung còn thiếu, hay còn sơ hở trong công tác duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, ông Nguyễn Văn Hiệp đề nghị và cho rằng cũng từ đó, các tỉnh Tây Nguyên có thể tham khảo, chọn lọc để có thể hình thành và ban hành các văn bản tương tự.

Trong khi đó, GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Đà Lạt và Hồng Công (Trung Quốc) có nhiều điểm tương đồng về địa hình, chúng ta nên tham khảo mô hình thực tế tại Hồng Công để áp dụng với Đà Lạt, như nghiên cứu cơ bản, toàn diện tính chất cơ lý của đất, đá, xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp và giám sát thực tế từng khu vực đất dốc; từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết các công tác xây dựng trên đất dốc... Đà Lạt cũng cần nghiên cứu và thành lập bản đồ phân vùng mức độ nhạy cảm trượt lở và bản đồ nguy cơ trượt lở theo thời gian để chủ động ứng phó.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận