Lĩnh vực vật liệu xây dựng còn nhiều dư địa phát triển

12:32 01/11/2024
Sáng 31/10, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam (VIBM) phối hợp với Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và Viện Hàn lâm khoa học vật liệu xây dựng Trung Quốc (CBMA), cùng các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế “Vật liệu xây dựng thế kỷ XXI”.

Hội thảo được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng Việt Nam, cùng các đơn vị phối hợp chuyên môn bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Môi trường toàn cầu (Gef), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Hội thảo năm nay thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đến từ 15 quốc gia trên thế giới tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng VIBM cho biết, Hội thảo quốc tế về VLXD (ICBM 2024) với chủ đề “VLXD trong thế kỷ XXI” được tổ chức nhằm nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu trong nước và quốc tế. Đồng thời, thảo luận chương trình hành động hướng tới sự phát triển bền vững của ngành VLXD nói riêng và ngành Xây dựng nói chung. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo.

ICBM 2024 còn là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, quan điểm mới và tìm hiểu những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất được áp dụng trong ngành VLXD tại Việt Nam và thế giới.

Các chủ đề chính của hội thảo gồm: Xi măng, bê tông, vật liệu chịu lửa, sơn, kính xây dựng, VLXD cho công trình giao thông, phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và tái chế chất thải trong ngành VLXD…

Theo Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp, Hội thảo được tổ chức trong 3 ngày từ 01-3/11, gồm 1 phiên toàn thể và 7 phiên chuyên đề, gồm: Xi măng và bê tông sinh thái; Giải pháp bền vững cho VLXD; Ứng dụng của vật liệu nhôm và kính trong xây dựng; Vật liệu tái chế và vật liệu tính năng cao; Vật liệu trong công trình xanh; Vật liệu phi kim loại cho cơ sở hạ tầng bền vững; Gỗ và vật liệu bio, vật liệu phát thải thấp trong xây dựng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã điểm lại những thành tựu mà lĩnh vực sản xuất VLXD của Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua, trong đó nổi bật là lĩnh vực xi măng, sản xuất kính xây dựng, gạch ốp lát...

Ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng VIBM phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng thời, đánh giá cao Viện VIBM  tổ chức Hội thảo quốc tế “VLXD thế kỷ XXI”. Thông qua sự kiện này sẽ tạo cơ hội giới thiệu các thành tựu kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất VLXD đến với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ rõ thách thức mà lĩnh vực VLXD đang phải đối mặt như: Công nghệ dây chuyền sản xuất VLXD còn lạc hậu, quy mô nhỏ; Chi phí nhiên liệu cho sản xuất VLXD còn ở mức cao khiến giá thành VLXD chưa thực sự cạnh tranh; Năng suất lao động, chất lượng nguồn lực trong lĩnh vực sản xuất VLXD còn thấp...

Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất VLXD. Gần đây, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển VLXD đến năm 2030, với nhiều định hướng cụ thể. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn về VLXD, trong đó chỉ rõ nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực VLXD.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tham quan một gian hàng trưng bày tại Hội thảo.

Do đó, để lĩnh vực VLXD thực sự phát triển mạnh mẽ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh lưu ý, cần đầu tư phát triển các dây chuyền hiện đại, công nghệ hiện đại; Bám sát vào thực tiễn, kịp thời phản ứng nhanh khó khăn chính sách để sản xuất, tiêu thụ, sản xuất VLXD; Sản xuất phải đảm bảo hiệu quả bền vững, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao; Tiếp cận khoa học công nghệ sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm VLXD; Sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu năng lượng, sản xuất VLXD, theo hướng kinh tế tuần hoàn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường; Phát huy khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng tham gia sản xuất phát triển VLXD...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh kỳ vọng, qua Hội thảo lần này sẽ giúp tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, chuyên gia, trong nước với các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài. Từ đó, ứng dụng nhiều hơn sản phẩm VLXD mới vào sản xuất, đóng góp hơn nữa cho lĩnh vực VLXD cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bình luận