Nghiên cứu, ứng dụng khoa học là động lực xây dựng và phát triển VICEM xanh

13:40 29/08/2022
Trong sứ mệnh lịch sử của mình, VICEM luôn xác định nghiên cứu và ứng dụng khoa học là một trong những động lực quan trọng trong quá trình phát triển ngành xi măng và là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương đổi mới của toàn Tổng Công ty.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng cải tiến kỹ thuật

Trong những năm qua, VICEM không ngừng phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ… Tại Việt Nam, VICEM là nhà sản xuất xi măng lớn nhất cả nước. Với Viện Công nghệ xi măng, Công ty Tư vấn xi măng, Trường Đào tạo công nhân ngành xi măng, VICEM là đầu mối quản lý tập trung công tác đào tạo cán bộ, công nhân, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng… góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đưa năng suất của một số dây chuyền sản xuất vượt công suất thiết kế từ 5 ÷ 10% như: Tam Điệp, Bình Phước, Hạ Long, Kiên Lương 2,…

Các phong trào thi đua đã khơi dậy được nguồn lực của cán bộ, CNV và người lao động trong toàn VICEM. Đặc biệt, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được cán bộ, công nhân lao động hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế; Hàng năm với hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận, làm lợi từ 70÷80 tỷ đồng/năm.

Lấy khoa học công nghệ gắn với sản xuất, để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo VICEM đã định hướng chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các đơn vị thành viên triển khai việc rà soát các dây chuyền sản xuất nhằm đánh giá tổng thể tình trạng công nghệ và thiết bị sau thời gian dài vận hành để xác định mức độ đồng bộ về năng suất giữa các công đoạn/phân đoạn.

Với mục tiêu đưa ra các cải tiến kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất nhằm gia tăng công suất với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị; Tối ưu hoá các dây chuyền hiện có, tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất clinker, xi măng; đáp ứng khả năng với nguồn nguyên, nhiên liệu đang ngày càng khan hiếm và đạt các tiêu chí phát thải khí thải ra môi trường.

Thay vành răng lò nung clinker tại Nhà máy xi măng Nghi Sơn.

Theo chiều dài lịch sử, trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, đến nay, VICEM đã hoàn thành sứ mệnh và luôn xứng đáng là trụ cột của ngành, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác sản xuất xi măng cùng phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, VICEM có 10 công ty sản xuất xi măng, 16 dây chuyền sản xuất, với năng lực sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker/năm và khoảng 32 triệu tấn xi măng/năm; chiếm 34% - 35% thị phần xi măng cả nước. VICEM là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, sở hữu nhiều thương hiệu lâu đời, uy tín như: Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên, Hoàng Mai, Hạ Long… được người tiêu dùng cả nước tin dùng.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, làm chủ công nghệ thiết bị, cũng như công tác vận hành… là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến phát huy sáng kiến ngày càng được lan tỏa, sâu rộng trong VICEM.

Chương trình nâng cấp cải tạo khu vực làm nguội clinker tại các nhà máy như: Xi măng Bỉm Sơn 2 năm 2019; Vicem Hạ Long năm 2020: Nhà máy Xi măng Bình Phước năm 2021… Tổng giá trị làm lợi cho VICEM khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm; Chương trình nghiên cứu, cải tạo chiều sâu các dây chuyền được thực hiện lần đầu tại Dây chuyền 1 Xi măng Bút Sơn năm 2019, giúp tăng công suất dây chuyền từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.400 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiệt ≤ 800 kcal/kg clk…

Bước vào thời đại CMCN 4.0, ngành xi măng đứng trước thách thức phải giải quyết bài toán về môi trường, tái cấu trúc toàn diện, đưa công nghệ xi măng vươn tới tầm cao mới không phát thải. Với nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và cạn kiệt thì việc định hướng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu gắn liền với tận dụng chất thải của các ngành sản xuất công nghiệp và chất thải phát sinh từ xã hội để thay thế trong sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Năm 2019, VICEM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ chủ quản và được chấp thuận triển khai các chương trình đồng xử lý chất thải với mục tiêu bảo vệ môi trường gắn liền với hiệu quả kinh tế. Bộ Xây dựng đã chấp thuận Đề án Tái cơ cấu trong giai đoạn 2019 - 2025; Trong đó mục tiêu xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng là những nội dung trọng điểm, phù hợp với tình trạng thực tế của Việt Nam cùng như xu hướng phát triển của thế giới. Việc tái sử dụng triệt để rác thải tăng dần: Năm 2019 là hơn 26.000 tấn rác, năm 2020 là hơn 120.000 tấn rác, năm 2021 là hơn 200.000 tấn rác.

Trong những năm vừa qua, nhờ các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến, đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ, tối ưu vận hành… đã giúp cho VICEM tăng quy mô từ 18,9 triệu tấn clinker/năm (theo thiết kế) lên gần 22 triệu tấn clinker/năm, tăng thêm gần 3 triệu tấn clinker/năm, tương đương 2 dây chuyền có công suất 4.000 tấn clinker/ngày với chi phí thấp, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư; góp phần làm lợi nhuận tăng gần 700 tỷ đồng hằng năm.

Trong tương lai, VICEM sẽ tăng khả năng tái sử dụng chất thải của xã hội như là nguồn tài nguyên thay thế cho các nguyên-nhiên liệu truyền thống không tái tạo, xử lý an toàn khối lượng lớn chất thải bao gồm cả chất thải nguy hại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì tăng trưởng sản phẩm cho xã hội, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó biến đổi khí hậu theo các cam kết quốc tế.

Khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn vì một VICEM xanh

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu hướng tới của VICEM là tiếp tục mở rộng, tăng công suất sản xuất clinker, xi măng, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, bền vững và thúc kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh xử lý các phế thải trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo…

Các chương trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và giảm tiêu hao năng lượng (nhiệt, điện) của công đoạn sản xuất clinker và công đoạn nghiền xi măng: Cải tạo, cải tiến hệ thống calciner và cyclone của tháp trao đổi nhiệt, hệ thống giàn ghi của thiết bị làm nguội clinker, đường ống gió 3 và hệ thống làm kín của lò nung, thay thế lọc bụi điện bằng lọc bụi túi..., để giảm tiêu hao năng lượng; Nghiên cứu sử dụng hệ thống máy cán ép lắp đặt trước máy nghiền bi, hệ thống con lăn và bàn nghiền của máy nghiền đứng, các thiết bị phân ly, lọc bụi sau các máy nghiền,... để tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải ra môi trường, triển khai hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng trong toàn ngành VICEM.

Ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất xi măng

Nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ và thạch cao nhân tạo trong sản xuất clinker, xi măng; Sử dụng đa dạng các chủng loại chất thải và tăng cường tỷ lệ thay thế nguyên, nhiên liệu khi đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng (Chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt,…). Việc sử dụng bùn thải, tro xỉ thay thế nguyên liệu sét với tỷ lệ thay thế nguyên liệu thô chưa cao mới đạt từ 3% - 5% tùy vào lợi thế, điều kiện của từng nhà máy cũng như chính sách hỗ trợ của đơn vị phát thải trên cơ sở đảm bảo lợi ích và hiệu quả khi sử dụng; Đối với nguồn tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng khối lượng sử dụng trong các nhà máy của VICEM tăng đều hằng năm.

VICEM tiếp tục định hướng các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ gia này đưa vào sản xuất, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ sử dụng chất thải của các ngành công, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt dùng làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng cơ bản đạt được một số mục tiêu theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ. Nghiên cứu các sản phẩm clinker và xi măng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét), giảm phát thải ra môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt, thu hồi tối đa nhiệt không hữu ích để tối ưu và giảm giá thành sản xuất.

Cùng với những thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4, VICEM đã thúc đẩy nghiên cứu tối ưu hoá sản xuất bằng các giải pháp tự động hoá, số hoá nhà máy và số hoá chuỗi cung ứng để đáp ứng những đòi hỏi của mô hình kinh tế tuần hoàn và mục tiêu hướng tới ngành xi măng không phát thải, tuần hoàn tự nhiên, vì một VICEM xanh, đồng thời tham gia xử lý vấn đề môi trường cho đất nước.

Bình luận