Phát triển công cụ số hỗ trợ quy hoạch đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu

07:36 13/08/2022
Nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt gia tăng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã phát triển E-tool – một công cụ số hóa chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia vào quá trình phát triển đô thị.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Sáng kiến & Giải pháp số trong quản lý môi trường xây dựng đô thị“ vừa diễn ra tại Hà Nội.

Sáng kiến công cụ số E-tool được kỳ vọng trở thành công cụ toàn diện có thể quản lý các loại dữ liệu khác nhau liên quan đến nắng nóng đô thị và hỗ trợ các phương án thiết kế. Ứng dụng có khả năng tương tác cao, thu thập và xác thực dữ liệu thông qua ứng dụng di động của người dân và kết hợp dữ liệu đô thị với thông tin thời tiết. Từ đó, cung cấp những thông tin đầu tiên trong giai đoạn thiết kế ban đầu cho các bên liên quan, bao gồm: nhà quản lý (trung ương và địa phương), nhà đầu tư và tư vấn, nhà khoa học, và cộng đồng.

Đại diện Trường Đại học Ku Leuven, Giáo sư Alexis Versele chia sẻ về công tác quy hoạch đô thị.

Đây là sản phẩm của Dự án hợp tác giữa Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học KU Leuven (Bỉ), trong khuôn khổ Chương trình “Tối ưu hóa chất lượng môi trường xây dựng tại các khu ở của Việt Nam và Bỉ”. Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây Dựng Hà Nội, việc hợp tác nghiên cứu khoa học ứng dụng giữa 2 Trường đại học nhằm giải quyết các vấn đề tại các đô thị ở cả hai quốc gia. Dự kiến, sẽ có những giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ số góp phần nâng cao chất lượng môi trường đô thị trong thời gian tới.

Theo nhóm nghiên cứu, việc nâng cao chất lượng môi trường xây dựng tại các khu dân cư đang đóng vai trò quan trọng nhằm giải quyết vấn đề đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Điều này góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của mật độ đô thị và hiệu ứng đảo nhiệt, nâng cao khả năng phục hồi sinh thái và xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, phương án quy hoạch đô thị hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thích nghi với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Tại Hà Nội từng ghi nhận mức nhiệt 40,7 - 40,9 độ C - giá trị nhiệt độ cao nhất trong vòng 59 năm, so với trung bình các năm cùng thời kỳ.

Hiện nay, lập quy hoạch và tư vấn môi trường đô thị còn tồn tại chung một hạn chế, đó là từng bên tham gia vào đồ án quy hoạch đang nhìn từ góc độ riêng và đưa ra quyết định chuyên môn trong khi chưa có đủ thông tin, dữ liệu từ nhiều phía để đảm bảo rằng quyết định của mình có thể cân bằng lợi ích với các bên còn lại. Ngay cả khi có nhiều dữ liệu hơn thì công cụ hỗ trợ tìm phương án quy hoạch tối ưu về môi trường và giảm nắng nóng vẫn gặp phải vướng mắc.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây Dựng Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Vì vậy, cần có hai thay đổi trong quá trình thực hiện tư vấn môi trường trong quy hoạch. Một là thay đổi cách thức tìm phương án quy hoạch để đảm bảo yêu cầu môi trường, giảm nắng nóng; hai là cần có nền tảng chung cho tất cả các bên cùng tham gia vào quá trình quy hoạch.

Đại diện Trường Đại học Ku Leuven, Giáo sư Alexis Versele chia sẻ: Mỗi địa điểm và khu vực xung quanh trong đô thị đều có thể trở thành một phần của hệ sinh thái tuần hoàn, tái tạo. Các quyết định đầu tư phát triển đô thị ngay từ bây giờ và trong tương lai cần phải tích hợp một cách tổng thể các tòa nhà, cây xanh, khả năng di chuyển, dịch vụ và không gian công cộng; tái tạo và tái sử dụng tối đa các loại tài nguyên. Muốn quản lý các nguồn lực này, chính quyền đô thị cần một cách tiếp cận đồng sáng tạo và các công cụ kỹ thuật số phù hợp sẽ là sự hỗ trợ đắc lực - GS. Alexis Versele nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về những khó khăn trong quản lý môi trường xây dựng tại các khu dân cư; cập nhật các giải pháp về vật liệu, công cụ số (E-tool) và các mô hình hợp tác được áp dụng giải quyết các vấn đề nắng nóng đô thị; thách thức và nhu cầu và kỳ vọng trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phát triển và quản lý dữ liệu quy hoạch đô thị.

Dự án “Tối ưu hóa chất lượng môi trường xây dựng tại các khu ở của Việt Nam và Bỉ” do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) và Doanh nghiệp xã hội bền vững Việt Nam (VSSE) hợp tác thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Bỉ thông qua Quỹ Tư duy toàn cầu (Global Minds). Nhóm nghiên cứu đã phát hiện các vấn đề liên đến tối ưu hóa chất lượng môi trường xây dựng tại cả hai quốc gia, đồng thời, kết nối với chuyên gia và các tổ chức dân sự xã hội liên quan nhằm góp ý cho việc phát triển bộ công cụ dữ liệu hóa điện tử trong các giai đoạn tiếp theo. 

Đại diện Đại sứ quán Bỉ, Phó Đại sứ Marc Rifflet cho rằng, các kết quả của dự án là bước tiến quan trọng trong “Mạng lưới học tập cho các khu dân cư bền vững ở Việt Nam”, là một đóng góp vào nỗ lực chung của Bỉ và Việt Nam nhằm đối phó với tình trạng môi trường xây dựng đô thị đang xuống cấp và tình trạng nắng nóng ngày càng gay gắt ở quy mô khu vực.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Bình luận