Thế nhưng, dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN không còn nhiều, khiến việc giảm lãi suất của các NH không như mong đợi. Dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp, nên để khơi thông tín dụng, thúc đẩy tổng cung là đề xuất được đặt ra.
Khó tiếp tục giảm lãi suất điều hành
Tính đến ngày 31/10, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước.
Trước sự ì ạch của tăng trưởng tín dụng, trong Công điện 990/CĐ-TTg và 993/CĐ-TTg ban hành ngày 23 và 24/10, Thủ tướng Chính phủ đốc thúc ngành NH triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng lĩnh vực bất động sản. Cả 2 công điện này đều “nhắc nhở” ngành NH giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ thêm không còn nhiều, vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp dù lãi suất đã giảm. Do đó, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
“Thời điểm hiện tại đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn. Khó khăn này không đến từ lạm phát, vì lạm phát đang khá ổn mà do áp lực tỷ giá” - TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam cần nỗ lực giữ đồng nội tệ mất giá không quá mức 3,5%, vừa giữ ổn định thanh khoản NH, đảm bảo các vấn đề liên quan USD và tiền đồng, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước. Bởi lẽ, trong 10 tháng năm 2023, thặng dư thương mại trên 24 tỷ USD, chủ yếu nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi DN nội thâm hụt hàng chục tỷ USD vì chủ yếu nhập đầu vào và sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, phần xuất khẩu rất ít.
Nếu tiền đồng mất giá nhiều DN nội địa sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các NHTM hạ thêm lãi suất cho vay cũng cần phải chờ thêm thời gian. Thứ nhất, lãi suất điều hành hạ “ngấm” sang lãi suất thương mại luôn có độ trễ. Thứ hai, các NHTM trong giai đoạn cuối năm ngoái đầu năm nay huy động quá cao, nên dù rất muốn cho vay nhưng nếu hạ lãi suất ngay NH sẽ lỗ nặng.
Tìm giải pháp căn cơ
Theo lãnh đạo NHNN, lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới đã giảm 2 - 2,2%, là mức vượt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, lãi suất giảm không đồng đều ở các NH. Cụ thể, 4 NHTM có vốn nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank (Big 4) có lãi suất cho vay thấp. Trong khi đó, nhiều NHTMCP mức cho vay bình quân vẫn cao khoảng 9%/năm và trên 9%/năm. NHNN đề nghị các NH bằng mọi biện pháp từ nay đến cuối năm phải giảm lãi suất cho vay để đảm bảo hỗ trợ cho DN.
Tại hội thảo về tín dụng mới đây, đại diện các NHTM cũng lý giải khi tiến hành cho vay, NH sẽ nhìn DN với 3 điều cơ bản là không mất cân đối tài chính (vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn); không để đòn cân nợ quá cao (1 đồng vốn, 7-8 đồng nợ); vòng quay vốn không quá dài.
Trên cơ sở đó, NH sẽ tính toán mức độ rủi ro và lãi suất tương ứng. Chính vì các nguyên tắc này, nên dù thanh khoản của một số NH đang rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng tín dụng vẫn tăng chậm.
Trong khi việc giảm lãi suất vẫn chưa ngã ngũ, gần đây có “làn gió ngược” xuất hiện trên thị trường huy động. Đó là có 4 NH điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm. Cụ thể cuối tháng 10, MSB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 15 - 36 tháng từ mức 5,5%/năm lên tới 6,2%/năm.
Đến ngày 13/11, OCB cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 18-36 tháng thêm 0,3%. Ngày 14/11, biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến của BIDV tăng thêm 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn 6-36 tháng. Ngày 17/11, VIB tăng lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 2 tháng thêm 0,1%, kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,3%…
Việc tăng lãi suất này có bắt đầu cho đợt tăng lãi suất mới hay không vẫn chưa thể khẳng định, nhưng dẫu sao động thái đó cũng ngấm ngầm khơi mào lo ngại. Theo đó, yêu cầu sớm tháo gỡ điểm nghẽn cũng cấp bách hơn. Vậy tháo gỡ từ đâu và như thế nào ở thời điểm này?
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian qua NHNN cho thấy quan điểm không đặt quá nặng đối với vấn đề kiểm soát lạm phát và đã hạ lãi suất xuống thấp, điều chỉnh liên tục và hiện nay lãi suất cho vay của cả hệ thống NH cũng đã giảm. Nhưng vấn đề khó nhất hiện nay không phải là chuyện NH không có tiền để cho vay, mà là sự bế tắc tổng cung chưa khắc phục được. Một phần thị trường xuất khẩu bị suy giảm mạnh trong năm vừa qua ảnh hưởng đến cung, một phần do thị trường bất động sản ảnh hưởng rất lớn.
TS Nguyễn Tú Anh đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, chính sách nên chuyển hướng từ kiểm soát lạm phát, giảm áp lực từ chi phí thực tế sang hướng thúc đẩy tổng cung. Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt kết cấu hạ tầng, bởi khi hạ tầng được kết nối tốt, chi phí trong nền kinh tế sẽ giảm nhiều. Đồng thời sớm giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản.
Hiện có đến 80% tài sản đảm bảo thế chấp vay vốn từ bất động sản. Khi những vấn đề về pháp lý liên quan đến bất động sản không giải quyết được, sẽ gây tắc nghẽn trong thị trường tín dụng… Thực hiện các giải pháp như vậy vừa đạt được mục tiêu thúc đẩy tổng cung, giảm chi phí kiểm soát được lạm phát, vừa khơi thông được tín dụng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Khơi thông bế tắc tổng cung bằng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt kết cấu hạ tầng… sẽ đồng thời khơi thông được tín dụng.
Nguồn: SGGP