TP.HCM: Đạt mục tiêu thành phố thông minh ở nửa đầu thế kỷ 21

15:38 30/05/2023
Hiện số lượng người dân tập trung sinh sống và làm việc tại TP.HCM ngày càng tăng, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu các nguồn lực, như nước sạch, không gian, năng lượng và đất đai.

Để xử lý vấn đề này, việc xây dựng TP.HCM là TP thông minh càng trở nên cấp thiết.

Thế nào là TP thông minh

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) làm mờ đi ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật nhờ quy luật công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things/IoT). Hơn nữa, 4IR cũng tác động đến các TP và hình thành khái niệm “TP thông minh”, được nhìn nhận qua lăng kính của 4IR với những thách thức cụ thể: quy hoạch, tòa nhà, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông.

Để 4IR được tích hợp tại các TP, cần đáp ứng 3 tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Một TP bền vững phải là TP lành mạnh phục vụ con người sinh hoạt hòa nhập, tiết kiệm, thích ứng và bền vững ở 3 phương diện chính: nhà ở dễ tiếp cận (kết hợp chương trình nhà ở xã hội); không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập; hệ thống giao thông toàn diện (đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng nhanh).

Thứ hai, thực hành quy hoạch đô thị rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị là sản phẩm thông tin đồ sộ đòi hỏi sự chính xác và cập nhật kịp thời, thường xuyên nhằm chuyển thông tin thành nguồn lực thúc đẩy hành động cộng hưởng tích cực của toàn xã hội. Công nghệ số có dễ dàng xây dựng các mạng ảo kết hợp với các cấu trúc vật lý để góp phần thực hành hiệu quả cho công tác thông tin quy hoạch đô thị minh bạch, công khai đối với toàn dân.

Thứ ba, sự thành công của TP thông minh phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng các thách thức của 4IR và là một phần không thể thiếu của quy trình.

TP thông minh trước hết cần các chiến lược thiết kế quản trị hiệu quả, sáng tạo và khoa học: mô hình hiện đại chính quyền đô thị 2 cấp, cũng như các chính sách công thúc đẩy, phát triển các nguồn lực kinh tế - xã hội, thúc đẩy phúc lợi, thực hành quy hoạch đô thị và kinh doanh tốt.

Ngoài ra, sự kết nối đối tác trong nước, khu vực và quốc tế sẽ quyết định sự thành công của các TP thông minh trong thời đại 4IR. Hiện một số nước phát triển đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ cốt lõi và công nghệ thông tin để thực hiện các giải pháp xử lý những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của một đô thị hiện đại thông qua việc xây dựng các TP thông minh.

Để TP.HCM đạt được mục tiêu…

TP.HCM hiện là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước, là đầu tàu của kinh tế trên các lĩnh vực và có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn...

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; thiếu cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư…

4 công nghệ phổ biến cho thành phố thông minh - Báo điện tử VnMedia - Tin  nóng Việt Nam và thế giới
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước những cơ hội mới trong bối cảnh đất nước đang có cả về vị thế kinh tế và địa chính trị tốt trong khu vực, tháng 12-2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chính phủ đã ra Quyết định 642/QĐ-TTg 2022 về nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hiện Chính phủ cũng có nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM trình Quốc hội.

Để thực hiện tốt các định hướng trên và đóng góp vào dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ tăng cường các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ kích cầu trước mắt như gia hạn và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và đặc biệt là giảm lãi xuất ngân hàng theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh và nguyên tắc win-win. Ngoài ra, cần các biện pháp kích cầu sức mua của thị trường cũng như hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động.

Về giải pháp trung và dài hạn, nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản với sự tham gia tích cực của người dân để phát triển nguồn vốn xã hội vô tận cho sự quản trị đô thị hiện đại.

Từng bước xây dựng và triển khai áp dụng mô hình đô thị 2 cấp với cấp quận là cấp cơ sở cho TP.HCM, nhằm đảm bảo tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy TP trong lĩnh vực đầu tư và tài chính ngân sách, cũng như giảm thiểu sự quản lý hành chính quan liêu, tốn kém thời gian và thiếu sự minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm trong quản trị đô thị. Song song việc xây dựng mô hình mới, cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi.

Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thí điểm trong 2 lĩnh vực ngành công nghiệp ưu tiên có tính đột phá và lan tỏa là tài chính và logistics. Bởi TP.HCM là nơi tập trung 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp cả nước. Để giữ vững vị thế này cho TP, các hiệp hội và doanh nghiệp cần định hướng đổi mới theo hướng phát triển của TP thông minh trong 2 lĩnh vực này để có thể ứng dụng công nghệ mới hiệu quả và kết nối đối tác toàn cầu.

Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để làm nền tảng cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của TP. Mô hình 5 nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) có thể là sự tham chiếu hiệu quả trong quá trình này.

Cùng với sự nỗ lực của TP, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đột phá của Chính phủ, sẽ là động lực hướng tới TPHCM thông minh vào nửa đầu của thế kỷ 21.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận