07 mục tiêu trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025

10:21 28/05/2025
Bộ Xây dựng đặt ra 07 mục tiêu trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 trên cơ sở hợp nhất các nội dung của Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng trước đây.
07 mục tiêu trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025
Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 trên cơ sở hợp nhất các nội dung có tính tương đồng của Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của Bộ GTVT, Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của Bộ Xây dựng và các chương trình, kế hoạch, quy định có liên quan.

Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng VBQPPL

Bộ Xây dựng xác đinh 07 mục tiêu trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 gồm: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) Cải cách chế độ công vụ; (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; (7) Công tác chỉ đạo, điều hành khoa học, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình thực hiện mục tiêu này, Bộ Xây dựng đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng toàn diện đối với công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, bao gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với các nhiệm vụ quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính.

Nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc đối với công chức, viên chức; nâng cao đạo đức công vụ công chức, đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính trong thời gian vừa qua.

Riêng đối với hoạt động cải cách thể chế, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng VBQPPL, tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành VBQPPL;

Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng VBQPPL, tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành VBQPPL, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và tính dự đoán của pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL; Đổi mới, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm của Bộ; Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bảo đảm thủ tục hành chính dễ hiểu, dễ thực hiện

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC trong lĩnh vực xây dựng liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Triển khai tổ chức bộ máy của Bộ theo quy định tại Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25/02/2025 của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ cho phù hợp với tình hình mới, sau khi chuyển nhiệm vụ thanh tra từ Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ theo chủ trương của Trung ương.

Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị (nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc Bộ, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Tiếp tục tham gia nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các VBQPPL về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các VBQPPL về tài chính, tài sản, nhất là Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan để đổi mới việc quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước, thực hiện khoán kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ. Phối hợp kịp thời với Bộ Tài chính trong việc ban hành, điều chỉnh phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông.

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thống nhất hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành Xây dựng.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính bảo đảm: khoa học, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của từng nội dung cải cách hành chính bảo đảm chất lượng và tiến độ; xử lý công việc của cơ quan hành chính các cấp trên môi trường số, khuyến khích đẩy mạnh việc tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.

Bình luận