95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành
Sáng 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với 471/472 phiếu tán thành (tương đương 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa.
Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.
Dự án thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với quy mô đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/h. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40 km/h; 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m).
Dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027.
Chính phủ bảo đảm cam kết phân bổ đủ 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, chịu trách nhiệm về việc thực hiện cam kết của tỉnh Khánh Hòa phân bổ đủ 930 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về diện tích rừng, đất rừng.
Quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; khảo sát, đánh giá, kiểm kê kỹ tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án.
Việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù: Giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư Dự án; trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.
Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất rừng
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết cho dự án, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo đầy đủ số 495/BC-UBTVQH về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận gửi đến các vị ĐBQH.
Theo đó, đối với quy định về trồng rừng thay thế, có ý kiến đề nghị tỉnh Khánh Hòa phải đánh giá kỹ tác động môi trường, hệ sinh thái và việc trồng rừng thay thế phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa phải trồng rừng thay thế đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo thời gian và không tăng kinh phí. UBTVQH tiếp thu ý kiến và đã bổ sung nội dung này vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng; độ tin cậy của những đánh giá tác động về hiện trạng rừng đối với môi trường sinh thái; nhấn mạnh tính chất quan trọng của công tác bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là phương án trồng rừng thay thế. UBTVQH đã thể hiện nội hàm của nội dung trên vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có ý kiến cho rằng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 102 tỷ đồng có khả năng không đủ bồi thường cho 211 hộ bị ảnh hưởng.
UBTVQH thấy rằng, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã nêu rõ số hộ dân bị ảnh hưởng là 211 hộ, tuy nhiên chỉ có 11 hộ bị ảnh hưởng đến cấu trúc nhà phải di dời, các hộ còn lại chủ yếu là bị thu hẹp diện tích đất sản xuất, đất rừng với chi phí bồi thường không lớn. Đồng thời, qua xem xét hồ sơ Dự án cho thấy việc xây dựng dự toán theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đã bao gồm cả chi phí dự phòng.
Hơn nữa, việc tái định cư phân tán, dự kiến sử dụng hạ tầng các khu tái định cư hiện có của địa phương hoặc các quỹ đất do nhà nước quản lý, không xây dựng khu tái định cư riêng cho Dự án. Mặt khác, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết về thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đã có cam kết bố trí phần tăng thêm khi có phát sinh. Do vậy, nguồn vốn bố trí đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án là khả thi và đảm bảo khả năng cân đối được.
Đối với các ý kiên liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... UBTVQH đã thể hiện nội dung trên vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về các ý kiến liên quan đến hướng tuyến của Dự án, UBTVQH thấy rằng Chính phủ đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn hướng tuyến trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về lâm nghiệp.
Theo đó, hướng tuyến được Chính phủ lựa chọn đã tuân thủ quy định về điểm khống chế, hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất rừng. So với hướng tuyến có làm hầm xuyên núi, tuy có giảm được 10,3 km chiều dài đường, nhưng phương án làm hầm lại tăng kinh phí lên 3,73 lần và chỉ giảm được 8,58ha rừng.
Đồng thời, việc làm hầm xuyên núi theo tính toán cũng không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật do địa hình dốc, chênh lệch 02 cửa hầm là rất lớn, chi phí vận hành hầm hằng năm cao không đáp ứng được tiêu chí hiệu quả kinh tế của Dự án.