Chiều 23/8, Hội Bê tông Việt Nam (VCA) phối hợp cùng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam (IBST) và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề về vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình.
Hơn 38 nghìn công trình không bảo đảm an toàn cháy
Tại Hội thảo, TS Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng IBST đã có bài trình bày về thực trạng và giái pháp nâng cao an toàn cháy cho nhà hiện nữu.
Thực tế thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nhà, để lại hậu quả thảm khốc. Như năm 2022, cháy tầng 2 quán karaoke ở An Phú, tỉnh Bình Dương đêm 06/9/2022 làm chết 32 người; năm 2023, rạng sáng ngày 13/9/2023, cháy chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm chết 56 người; và năm 2024, cháy nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, ngày 24/5/2024, làm 14 người chết. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ cháy nhỏ khác cũng gây chết người…
Theo báo cáo của Bộ Công an, qua công tác tổng kiểm tra, rà soát trên cả nước đối với khoảng 1,2 triệu công trình, có hơn 38 nghìn công trình không bảo đảm an toàn cháy. Đây là những công trình rất khó hoặc không thể khắc phục được về an toàn cháy bảo đảm yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trong số 38 nghìn công trình này, có 2/3 công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt, tức là công trình nhỏ; 1/3 là công trình thuộc diện thẩm duyệt.
Nếu phân loại theo loại hình công trình, các cơ sở kinh doanh lưu trú như nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ chiếm gần 1/2 số trường hợp vi phạm, tỷ lệ này tương đương với hơn 15 nghìn công trình gần như không có khả năng khắc phục về an toàn cháy.
Tiếp theo đến các công trình là trụ sở, trường học, bệnh viện, là những trường hợp có yếu tố lịch sử để lại vì được xây dựng từ nhiều năm trước, gần như không quan tâm đến vấn đề an toàn cháy khi xây dựng. Các cơ sở, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ không lớn, số vi phạm chỉ chiếm khoảng 12%.
Trong số hơn 38 nghìn công trình vi phạm kể trên, chưa tính đến các công trình nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh.
Cũng theo số liệu của Bộ Công an, trong số trên 38 nghìn công vi phạm trên toàn quốc, tỷ lệ vi phạm lớn nhất là vi phạm về thoát nạn chiếm 35%, trong khi đây lại là yêu cầu an toàn cháy cốt lõi số 1 của an toàn cháy.
Tiếp theo, chiếm tỷ lệ 21% là những công trình vi phạm yếu tố cốt lõi thứ hai về an toàn cháy là ngăn chặn cháy lan.
Như vậy, riêng 2 yếu tố an toàn cháy cốt lõi nhất đã bị vi phạm chiếm hơn ½ tổng số các vi phạm (56%). Bên cạnh đó, có 20% công trình vi phạm tiêu chuẩn về phương tiện PCCC, hệ thống báo cháy, chữa cháy. Đây là 3 nhóm vi phạm lớn nhất, còn lại là những vi phạm về chịu lửa, khoảng cách, giao thông... chiếm tỷ lệ nhỏ.
Mỗi năm có khoảng 1.700 - 4.000 vụ cháy
Qua thống kê trong 10 năm, từ 2012-2022 của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, mỗi năm trung bình ở Việt Nam có khoảng từ 1.700 - 4.000 vụ cháy lớn nhỏ khác nhau đối với nhà và công trình. Trong đó, tỷ lệ cháy nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh chiếm khoảng 50%.
Số người tử vong trung bình trong 10 năm là 70 người, cá biệt có những năm tăng cao đến 130 - 140 người.
Theo Tổ chức An toàn cháy thế giới, trung bình ở Việt Nam có khoảng 2,5 người tử vong/100 vụ cháy. Đối chiếu với các thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thì số liệu này khá khớp, là mức độ khá cao so với Trung Quốc chưa đến 0,5 người/100 vụ cháy; các nước châu Âu dưới 0,3 người/100 vụ cháy; các nước ở Đông Nam Á như Malaysia và Singapore đều dưới 0,5 người/100 vụ cháy. Số liệu trên cho thấy, khoảng cách bảo đảm an toàn cháy tại Việt Nam còn xa so với nhiều nước trên thế giới.
Minh chứng cho thực tế này, TS Cao Duy Khôi nêu ví dụ điển hình như vụ cháy chung cư mi ni ở Khương Hạ, là công trình nằm trong ngõ sâu, không có đường để cho xe chữa cháy tiếp cận. Từ đường xe chữa cháy có thể đi tới khu chung cư này khoảng 300 m. Rất may, gần đó có hồ nước, cũng là nơi lực lượng chữa cháy hút nước để bơm nước dập cháy cho công trình, từ đó cứu được 70 người trong chung cư thoát nạn ra ngoài.
Chung cư được xây 9 tầng, 1 tum; diện tích xây dựng thực tế khoảng 270 m2, xây sai phép 3 tầng và xây vượt diện tích.
Qua khảo sát, IBST đã sơ hoạ lại mặt bằng tầng điển hình của khu chung cư này. Theo mặt bằng tầng điển hình, ở giữa có hành lang rất nhỏ, xung quanh là các căn hộ bố trí dày đặc, vây kín khu thang máy và thang bộ.
Đồng thời, nhà có các lỗ thông tầng và thang bộ xuyên suốt các tầng, từ tầng 1 là chỗ để xe, lên sân thượng là tầng 9. Các lỗ thông tầng này chính là nguyên nhân cơ bản gây chết nhiều người. Khi đám cháy xảy ra ở khu để xe tầng 1, nhà có duy nhất 1 lối thoát nạn ra ngoài ngõ trước mặt do đám cháy sinh ra khói và nhiệt rất lớn và toàn bộ khói và nhiệt đã dồn hết lên theo các lỗ thông lên các tầng trên.
Do khói mang nhiệt rất lớn dồn lên các căn hộ tầng trên, thậm chí có căn hộ trên tầng 5 bị cháy lan từ lỗ thông tầng vào trong phòng và sau đó cháy sạch sẽ toàn bộ đồ đạc trong phòng, mặc dù căn hộ tầng 5 ngăn cách với đám cháy tầng 1 mấy tầng, nhưng vẫn bị cháy dẫn đến chết người.
Có một trường hợp đặc biệt, một gia đình không thoát nạn ra ngoài, mà ở trong phòng và chèn kín các khe cửa lại. Gia đình đó đã thoát nạn. Còn rất nhiều người chạy ra ngoài, chạy ra cầu thang không được, chạy ra sân thượng nhưng không kịp vì khói ở trong thang chỉ sau 10 phút cháy đã có nhiệt độ lên tới 300 - 4000C.
Vụ cháy thứ hai, cũng rất điển hình cho trường hợp nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, là vụ cháy nhà ở số 4 Hàng Lược, TP Hà Nội. Tiếp cận giao thông chữa cháy dễ hơn so với trường hợp nhà chung cư mini nêu trên, vì là nhà mặt phố.
Nhưng trường hợp này cũng có điển hình riêng, qua mặt bằng điển hình của các tầng cho thấy, tầng 1 là khu vực bán hàng ở ngoài, bên trong có cầu thang đi lên các tầng trên. Tầng 2 là khu vực làm kho chứa hàng, cũng có cầu thang đi lên tầng trên. Tầng 3, 4 có không gian sinh hoạt của gia đình.
Đám cháy xảy ra vào lúc khoảng 4h30’ ngày 16/1/2024, bắt đầu cháy từ kho chứa hàng ở tầng 2. Lúc đó trong nhà có 5 người, trong đó có 1 phụ nữ ở tuổi thành niên, 2 người già và 2 trẻ em. Đám cháy xảy ra vào sáng sớm, khi mọi người đang ngủ, nên không kịp phản ứng. Khi phát hiện ra khói, chỉ có duy nhất người phụ nữ thành niên có thể thông qua ban công để trèo sang ban công nhà bên cạnh thoát nạn. Còn 2 người già và 2 trẻ em, vì không thể di chuyển ra lối thoát nạn khẩn cấp này, nên thiệt mạng trong vụ cháy.
TS Cao Duy Khôi nhận định rằng, ngoài điểm chung giống trường hợp cháy ở chung cư mini là dùng thang hở trong nhà và không có giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực có nguy cơ cháy cao với khu vực sinh hoạt, ở trường hợp cháy này cho thấy người già và trẻ em ở trong nhà hiện hữu cũng là vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu các giải pháp thoát nạn, vì họ là những người yếu thế hơn, di chuyển khó khăn hơn, tâm lý hoảng loạn hơn so với các nhóm người khác.
Khói là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Qua 2 vụ cháy này và rất nhiều vụ cháy điển hình khác, IBST rút ra một số nhận xét. Trong đó, đầu tiên, các nhà hiện hữu rất đa dạng về loại hình và nguy hiểm về cháy, đặc biệt là những nhà hiện hữu vi phạm yếu tố căn bản về cháy như thoát nạn, ngăn cháy lan, trong đó nguy hiểm nhất là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh.
Đại đa số người dân ở trong những khu nhà này sống chung với lửa. Có nghĩa là, nhà chỉ có một mặt tiền, không có lối thoát nạn thứ 2, cầu thang trong nhà hở và kết hợp kinh doanh ở tầng 1, các tầng trên bịt kín, nên khi có cháy, không có đường để chạy ra khỏi nhà. Đây là những điểm đặc biệt nguy hiểm của nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh.
Thứ hai, các tồn tại về PCCC thường rất khó khắc phục. Vì nhà đã xây thang nằm bên trong, kinh doanh bên ngoài, không thể bịt được thang để chuyển từ thang hở thành thang kín, nhất là đối với nhà mặt tiền nhỏ; hay không thể dẹp kinh doanh vì ảnh hưởng đến cuộc sống; hay để ngăn chặn cháy lan, phải đóng tường để ngăn khu kinh doanh và khu ở, nhưng không phải nhà nào cũng làm được…
Thứ ba, thời gian vàng để thoát nạn chỉ có khoảng 5 phút đầu tiên, tối đa là 10 phút. Vì trong 5 phút đầu, đám cháy còn đang phát triển chậm, lúc này thoát nạn còn chưa nguy hiểm. Khi cháy đã cháy trên 5 phút đến 10 phút, thì lượng khói ra rất lớn.
IBST đã thực hiện thí nghiệm mô phỏng cháy và lan truyền khói trong nhà, sau 5 phút, với công năng phổ biến như nhà ở và văn phòng, công suất của đám cháy lên tới 1 - 2 MW và lượng khói sinh ra khoảng 10 m3/s, như vậy nhà chỉ có vài trăm m3 thì chỉ trong tích tắc bị lấp đầy khói.
Trường hợp cháy gara để xe còn nguy hiểm hơn nữa, sau 5 phút, đám cháy xảy ra với công suất khoảng 3 - 4 MW và lượng khói sinh ra gấp đôi khoảng 20 m3/s.
Với nhà nhỏ, không có cách nào đẩy khỏi ra, chỉ trong tích tắc là khói lấp đầy nhà, cho nên thời gian vàng thoát nạn chỉ là 5 phút đầu tiên. Chính vì thế, cháy đêm rất nguy hiểm với người ngủ, bởi người dân phát hiện đám cháy muộn. Nếu cháy ban ngày, có khi xung quanh còn kịp cứu viện hoặc người trong nhà kịp phát hiện sớm và chạy thoát nạn, mức độ thiệt mạng về người ít hơn nhiều so với cháy đêm. Cháy đêm là cháy cực kỳ nguy hiểm.
Và cuối cùng, khói là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các vụ cháy gần đây, tuyệt đại đa số đều chết do khói, không phải do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.
Khoanh vùng đối tượng và có yêu cầu riêng
Qua bức tranh thực trạng như trên, TS Cao Duy Khôi đề cập đến một số quy định pháp luật hiện hành về xử lý các công trình hiện hữu có vi phạm PCCC. Theo Luật PCCC (sửa đổi) và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; và hiện nay là một số nội dung của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, có mấy yếu tố quan trọng: Luật quy định nhà và công trình phải tuân thủ quy định về PCCC; Nhà có vi phạm về PCCC thì giải pháp đầu tiên là tạm đình chỉ; Sau thời gian khắc phục không được sẽ đình chỉ.
Tuy nhiên, từ khi ban hành Luật PCCC số 27/2001/QH10 cho đến thời điểm này, về cơ bản chưa xử lý được rốt ráo vấn đề công trình hiện nữu vi phạm quy định PCCC. Vì thực tế nhiều công trình rất khó hoặc không có khả năng khắc phục để bảo đảm yêu cầu về PCCC.
Ngoài ra, cũng có yếu tố khách quan, hạ tầng nhiều nơi không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thực trạng của các đô thị ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nhất là các nhà trong ngõ, gần như không thể đáp ứng điều kiện về giao thông, cấp nước chữa cháy.
Nhưng nếu đình chỉ hoạt động công trình thì ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Người trong tất cả các chung cư mini không có chỗ ở; người dân không còn kế sinh nhai, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Công an trong thời gian vừa qua.
Dự thảo Luật PCCC&CHCN mới đây đã có hướng giao UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giao cho Bộ chuyên ngành phối hợp với Bộ Công an chủ trì xây dựng hướng dẫn nâng cao an toàn cháy cho nhà hiện hữu, tuy nhiên cần quy định cụ thể để không gặp vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn.
TS Cao Duy Khôi đồng thời cho rằng, qua bức tranh thực trạng nêu trên đã thấy tương đối rõ giải pháp. Đầu tiên về pháp lý, cần có quy định ứng xử riêng cho các đối tượng công trình hiện hữu nhà ở riêng lẻ. Phải khoanh vùng các đối tượng này lại, coi như là yếu tố lịch sử để lại, thừa nhận nó và phải có quy định riêng trên cơ sở nguyên tắc giảm bớt yêu cầu an toàn cháy, chỉ giữ lại những nội dung cốt lõi và có thể kèm thêm điều kiện vận hành hạn chế, các vấn đề về cải tạo, sửa chữa phải lưu ý.
Đồng thời, cần có chính sách thay đổi dần mô hình nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, tách bạch nhà để ở, kinh doanh là kinh doanh; tách bạch các khu vực để ở, để kinh doanh. Nếu tiếp tục tình trạng nửa ở, nửa kinh doanh rất khó để PCCC.
Về kỹ thuật, nguyên tắc cần đảm bảo ưu tiên số 1 là thoát nạn cho người từ trong nhà ra ngoài; thứ hai là ngăn chặn cháy lan, khói lan. Bản chất của ngăn chặn cháy lan, khói lan cũng là phục vụ cho mục tiêu thoát nạn; thứ ba là cảnh báo cháy sớm, nhằm đẩy nhanh thời gian con người biết cháy sớm để có di chuyển thoát nạn.
Đây là 3 giải pháp căn cơ, cốt lõi để áp dụng cho an toàn cháy cho nhà hiện hữu. Các hướng dẫn do Bộ Xây dựng giao IBST ban hành đối với nhà hiện hữu đều tập trung vào 3 yếu tố này là chính. Các yếu tố khác, nếu công trình không thể đáp ứng được, yêu cầu cũng không hữu ích.
Cuối cùng là giải pháp về luận chứng kỹ thuật, là giải pháp tương đối nâng cao, có thể thông qua mô phỏng cháy, mô phỏng thoát nạn, để tính toán một số trường hợp cho phép nhà 1 thang hay giải pháp ngăn cháy phù hợp hơn. Tuy nhiên, giải pháp này không thể áp dụng đại trà. Áp dụng đại trà vẫn là 3 giải pháp căn cơ trên.
TS Cao Duy Khôi khẳng định, vấn đề nhà hiện hữu vẫn là vấn đề khó xử lý được triệt để, rất cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm nâng cao ý thức người dân.