3 Nghị định, 3 Nghị quyết, 3 Chỉ thị nhưng vẫn nhiều thách thức!

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức!

Chia sẻ tại Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH” do Bộ Xây dựng phối hợp và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức chiều 19/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030” sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức!

Tình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, 3 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 3 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về NƠXH, nhà ở công nhân và đã tổ chức 2 Hội nghị toàn quốc liên quan đến chủ đề này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển NƠXH, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m². Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432,4 nghìn căn với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m².

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18,7 nghìn căn, trong đó, NƠXH 6 dự án; nhà ở công nhân 3 dự án.

Liên quan đến nguồn vốn ưu đãi để phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo báo cáo, các địa phương, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án NƠXH với nhu cầu vay khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án NƠXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các DN.

Thiết chế công đoàn: Càng “soi” càng phân vân!

Cho dù hầu hết các ý kiến đều mong muốn huy động nguồn lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào sự nghiệp lớn lao này nhưng khi “soi” kỹ lại thì mới thấy có những trở ngại ngày càng nhiều khiến sự phân vân ngày càng tăng, về cả các quy định pháp lý hiện hành, về cả việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng của các chủ thể tham gia, về cả việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên ngành cao khi tham gia thị trường này…

Về vấn đề pháp lý, theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng BQLDA Xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), vướng mắc lớn nhất khiến các dự án thiết chế công đoàn tại nhiều địa phương bị tắc nghẽn trong giai đoạn thí điểm là Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố là chủ đầu tư xây dựng dự án nhưng theo quy định pháp luật hiện hành thì Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. 

Góc nhìn khác, theo Khoản 2 Điều 27 của Luật Công đoàn về “Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn” thì không có mục nào liên quan đến cụm từ “đầu tư”. Như vậy, nếu khi Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư NƠXH thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất, kinh doanh (chứ không trực tiếp làm chủ đầu tư) thì có liên quan đến nguồn tài chính này không và có phải sửa đổi gì đó trong Luật Công đoàn không?

Vấn đề thứ hai cũng rất đáng quan tâm, đó là bảo đảm sự công bằng cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này, giữa một bên là tiền đi vay ngân hàng, dù là nguồn vốn vay ưu đãi, và một bên là “vốn nội bộ” được mang danh phúc lợi và không tính lãi. Nếu không xử lý được mối quan hệ này thì liệu mấy ai dám đứng ra đầu tư để cạnh tranh với thiết chế công đoàn đây? Chiểu theo tinh thần huy động nguồn vốn xã hội là chủ yếu thì như vậy, cái được sẽ không bằng cái mất!

Tiếp nữa là thách thức vấn đề con người. Cần phải nhìn nhận một điều quan trọng, nếu vướng về pháp lý thì vì mục tiêu cao cả, luật có thể sửa, nhưng nếu vướng về con người thì hậu quả sẽ khôn lường.

Chỉ xin nói về năng lực quản trị thuần túy mang tính kỹ thuật, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài kinh tế Việt Nam phân tích: Khi người mua, tức là công nhân, tầng lớp lao động, những vấn đề mà họ quan tâm nhất khi lựa chọn một căn nhà là giá cả, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo, cho dù là mua để ở hay chỉ thuê ở. Như vậy, dù là nhà ở công nhân, NƠXH thì mỗi công trình nhà ở cũng phải đồng bộ, được xây dựng trong một tổ hợp dự án bất động sản hay tiểu đô thị phức hợp. 

Luật sư Lập nhận định: “Để tạo nên những công trình như vậy, đáp ứng nhu cầu toàn diện, đa dạng của mua nhà, nhà đầu tư cần phải chứng minh được năng lực, bao gồm năng lực về quản trị, công nghệ, quan hệ, kinh nghiệm thị trường. Đặc biệt quan trọng là khả năng huy động các nguồn tài chính độc lập bổ sung, bởi nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ hay ngân hàng chỉ là loại vốn mồi ban đầu. Tuy nhiên, tôi e rằng ngay cả khi không xét đến chức năng và thẩm quyền thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như Liên đoàn Lao động các cấp cũng không đáp ứng được các năng lực nói trên”.

Có lẽ chính vì thế, khi cho ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình quy định việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân.

Ông cho rằng cần nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức chính trị - xã hội, có nên làm chủ đầu tư NƠXH hay không. Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chân thành: "Tôi khuyên Tổng Liên đoàn Lao động không nên ôm nhiệm vụ này. Vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm". 

TP.HCM: Đề xuất thành lập doanh nghiệp chuyên biệt về NƠXH

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM về thực hiện các dự án NƠXH, đến nay, toàn thành phố có 21 dự án NƠXH được đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, từ năm 2021 đến hết quý II/2023, TP.HCM mới chỉ có 2 dự án NƠXH với quy mô 623 căn hộ được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, có 7 dự án NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân đang thi công và 82 dự án đang được thống kê theo dõi trong kế hoạch phát triển.

Nhiều nguyên nhân được phân tích, do bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến tiến độ triển khai chậm; do các dự án quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH, nhưng chủ đầu tư dự án còn chậm triển khai; do các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp; một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị chưa bố trí quỹ đất cho loại hình nhà ở này...

Chính vì thế, Sở Xây dựng đã đề xuất một trong những biện pháp khắc phục là cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý NƠXH trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng NƠXH từ chính đối tượng có nhu cầu.

Thiết nghĩ, đây là một đề xuất rất đáng lưu tâm suy nghĩ, bởi lẽ lâu nay, cơ chế, chính sách ưu đãi về phát triển NƠXH ban ra khá nhiều nhưng khi có sự trì trệ và cần quy trách nhiệm, nhìn quanh đi quẩn lại thì không biết nên “gõ” vào đầu ai. Vì thế, việc có một đầu mối thuộc chính quyền địa phương gánh trọng trách thực thi nhiệm vụ này là cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là ám ảnh bởi những vụ án lớn liên quan đến ngân sách, liên quan đến đất đai, liên quan đến sở hữu công… Liệu đầu mối này có đủ bản lĩnh để giữ mình trong sạch không là điều rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25,8 nghìn tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải cho biết, trong quý III/2023, trên địa bàn cả nước có 19 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân KCN với quy mô 18,7 nghìn căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Trong đó, đã hoàn thành 5 dự án với quy mô 850 căn, bằng 176% so với quý II/2023; đã khởi công xây dựng 2 dự án với quy mô 5,2 nghìn căn. Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, có 12 dự án với quy mô hơn 12,6 nghìn căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

Cũng theo Cục trưởng Hoàng Hải, lũy kế giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân KCN với quy mô 412,8 nghìn căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng. 

Báo cáo từ các địa phương và các chủ đầu tư cho hay, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh, thành phố (Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận) công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25,8 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có 49 dự án NƠXH với nhu cầu vay vốn là hơn 24,6 nghìn tỷ đồng; 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án NƠXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1 tỷ đồng.

Cần Thơ có thêm 919 căn NƠXH đủ điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai

Sở Xây dựng Cần Thơ có văn bản thông báo BĐS hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại dự án khu dân cư Nam Long 2 lô 9A, Khu đô thị mới Nam Cần Thơ (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), hạng mục công trình xây dựng chung cư NƠXH Nam Long 2 Lô G2, H3.  

Thông báo của Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra thực tế tại công trình và hồ sơ của chủ đầu tư, các hạng mục thuộc dự án đủ điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh bao gồm 919 căn hộ thuộc các Lô G2 với các đơn nguyên: G2-E, 9 tầng; G2-F, 9 tầng; G2-G, 6 tầng; Lô H3 với các đơn nguyên: H3-H, 9 tầng; H3-J, 6 tầng; H3-K, 9 tầng.

Thông báo của Sở Xây dựng Cần Thơ nêu rõ, chủ đầu tư không được thu tiền của khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai tại hạng mục chung cư NƠXH Nam Long 2 vượt quá số tiền bảo lãnh cho từng căn hộ.

Tổng số tiền thu từ bán nhà ở hình thành trong tương lai tại hạng mục chung cư NƠXH Nam Long 2 không vượt quá số tiền được ngân hàng bảo lãnh và không vượt quá 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Cần Thơ yêu cầu chủ đầu tư hiện nghĩa vụ bảo lãnh tài chính, thanh toán, cung cấp thông tin và các quy định pháp luật liên quan.

Nghệ An giao chỉ tiêu xây NƠXH cho các đơn vị, địa phương

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hơn 28,5 nghìn căn NƠXH theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030” tại địa phương, UBND tỉnh Nghệ An đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Kế hoạch phát triển NƠXH của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ, giai đoạn năm 2021 - 2030 tỉnh Nghệ An sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng 28,5 nghìn NƠXH.

UBND tỉnh Nghệ An giao các địa phương chỉ tiêu hoàn thành 9 nghìn căn NƠXH dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn; giao BQL Khu kinh tế Đông Nam hoàn thành 19,5 nghìn căn NƠXH dành cho công nhân KCN theo mục tiêu kế hoạch.

Cùng với đó là các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn; rà soát, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục các dự án NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.  

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Xây dựng chủ trì theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan chức thực hiện kế hoạch.

Lâm Đồng ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư dự án NƠXH thi công đúng tiến độ

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, BQL các KCN tỉnh, UBND huyện Đức Trọng, Công ty CP Đầu tư nhà An Bình yêu cầu khẩn trương tổ chức thi công công trình tại dự án NƠXH cho công nhân, người lao động tại KCN Phú Hội.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án NƠXH cho công nhân, người lao động tại KCN Phú Hội được UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư nhà An Bình, cấp lần đầu ngày 23/3/2023.

Nhà đầu tư đã thực hiện trình tự, thủ tục và ngày 22/6 đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Ngay sau đó, ngày 23/6, dự án đã được tổ chức khởi công xây dựng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 206 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất 17.959 m2, gồm 4 khối chung cư cao 5 tầng, cung cấp 303 căn hộ NƠXH, 68 căn hộ thương mại. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.500 công nhân, người lao động làm việc trong KCN Phú Hội và người dân thu nhập thấp trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Công ty CP Đầu tư nhà An Bình được thành lập vào năm 2019, có trụ sở tại tỉnh Bình Định. Doanh nghiệp này là công ty con của Tập đoàn Capital House, được thành lập năm 2016.

Tập đoàn Capital House được biết đến với nhiều dự án NƠXH và nhà ở thương mại tại Hà Nội. Trong đó, phải kể đến các dự án như, Ecohome, Ecolife…

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại công trình, Công ty chưa tổ chức thực hiện thi công xây dựng công trình theo quy định. Do đó, để đảm bảo việc thi công xây dựng đúng tiến độ đầu tư dự án đã được chấp thuận, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với BQL các KCN tỉnh, UBND huyện Đức Trọng yêu cầu Công ty CP Đầu tư nhà An Bình thực hiện lập tiến độ thi công chi tiết, triển khai ngay việc thi công xây dựng công trình và cam kết đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình theo giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng được cấp; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/10/2023.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty CP Đầu tư nhà An Bình có trách nhiệm tổ chức thực hiện thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn thi công xây dựng công trình theo đúng quy định hiện hành.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng, BQL các KCN tỉnh, UBND huyện Đức Trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc Công ty CP đầu tư nhà An Bình tổ chức thực hiện theo quy định.

“Coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại KCN”

Đây là kiến nghị của Sở Xây dựng Quảng Ngãi trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, Khu kinh tế Dung Quất và các KCN của tỉnh đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đồng thời các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ nhu cầu của công nhân.

Việc điều tra nhu cầu nhà ở công nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm, phối hợp, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho BQL Khu kinh tế trong công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu thực sự của người lao động về nhà ở để có cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở cho phù hợp với thực tế.

Về mặt pháp lý, NƠXH nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại, điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp hơn. Do đó, không thu hút các nhà đầu tư, nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án NƠXH.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển NƠXH không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại, trong khi quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng mua, thuê, thuê mua NƠXH...

Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư NƠXH là rất khó khăn.

Từ thực tế trên, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Bộ Xây dựng:

+ Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định riêng về quy trình, thủ tục đầu tư đối với dự án NƠXH theo hướng rút gọn, đơn giản hóa thủ tục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

+ Nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án NƠXH được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án NƠXH để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NƠXH.

+ Nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại KCN.

Thừa Thiên Huế rà soát chặt chẽ đối tượng được mua NƠXH

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS Cotana Capital về việc kiểm tra đối tượng đăng ký mua NƠXH tại khối nhà XH3 thuộc Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 (khu B, Khu đô thị mới An Vân Dương).

Cụ thể, qua kiểm tra, rà soát, dữ liệu thông tin hiện đang quản lý tại Sở Xây dựng cho thấy, 116 trường hợp đăng ký mua, thuê NƠXH tại khối nhà XH3 thuộc Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 đăng ký mua NƠXH đợt này chưa được mua, thuê, thuê mua NƠXH tại các dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS Cotana Capital xác minh đối với các trường hợp đóng thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp các đối tượng này thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, đề nghị công ty loại bỏ ra khỏi danh sách đối tượng đăng ký mua NƠXH theo quy định và báo cáo về Sở Xây dựng biết, theo dõi.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị công ty xác minh nơi làm việc, nghề nghiệp các đối tượng đã khai tại hồ sơ đăng ký mua NƠXH khác nơi làm việc hiện cơ quan chi trả thu nhập; trường hợp các đối tượng khai không trung thực, không đúng nơi hiện nay đang làm việc, đề nghị công ty loại bỏ ra khỏi danh sách đối tượng đăng ký mua NƠXH.

Đối với việc xác nhận sở hữu nhà ở, đất ở tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Xây dựng nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư, nếu các cơ quan, đơn vị không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua NƠXH đến để thỏa thuận thống nhất và ký hợp đồng.

Trường hợp sau khi xác minh của Sở TN&MT, UBND cấp huyện, nếu các đối tượng đăng ký mua NƠXH không đảm bảo điều kiện theo quy định, Sở Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định.

Để thực hiện dự án NƠXH, ưu đãi về tiền sử dụng đất như thế nào?

Công ty bà Nguyễn Mai Hoa được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án NƠXH. Bà Hoa hỏi, công ty bà được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất như thế nào?

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở số 65/2014//QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội quy định:

"Điều 58. Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng NƠXH không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật này để cho thuê, cho thuê mua, bán thì được hưởng các ưu đãi sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng NƠXH;".

Căn cứ Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH quy định:

"8. Bãi bỏ Khoản 5; sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và 4 Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 như sau:

"1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở, cụ thể như sau:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH.

UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng NƠXH hoặc chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20%;

b) Được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NƠXH và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành NƠXH sau khi đầu tư;"

b) Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 như sau:

"4. Chủ đầu tư dự án được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở.

Trường hợp đầu tư xây dựng NƠXH chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực".

Căn cứ các quy định nêu trên, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH.

Nguyễn Hoàng Linh
Nguyễn Thạc Cường

 

Bài viết cùng tác giả Nguyễn Hoàng Linh »

Tin liên quan