Cụ thể, trong tuần từ ngày 04 - 10/11, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam; (2) 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên; (3) Phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho TP Đà Nẵng; (4) TP Mỹ Tho là đô thị cấp vùng, trung tâm vùng tỉnh Tiền Giang; (5) Huyện Khánh Vĩnh phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng; (6) Kiến nghị bổ sung Khu bến cảng Phù Mỹ vào quy hoạch cảng biển Việt Nam.
Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam
Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 tập trung thảo luận về 03 lĩnh vực trọng tâm: (1) Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam; (2) Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam; (3) Đô thị thích ứng với BĐKH hướng tới phát triển bền vững.
Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng tác động đến phát triển đô thị Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị cần được triển khai mạnh mẽ, từ việc hoàn thiện thế chế, chính sách, đến việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và thích ứng với BĐKH, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế khu vực đô thị.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế.
Thứ ba, Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà phát triển đô thị, cùng cộng đồng trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng và sáng kiến hợp tác.
6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ngày 06/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên gồm:
Thứ nhất, chuyển đổi cơ cấu, mô hình phát triển kinh tế vùng theo hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối phát triển vùng.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, phát triển hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ.
Thứ tư, phát triển khu vực đô thị động lực và khu vực nông thôn.
Thứ năm, quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, phục hồi làm giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, tài nguyên rừng.
Thứ sáu, về quốc phòng, an ninh.
Phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho TP Đà Nẵng
Bộ Xây dựng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo đó, việc điều chỉnh chỉ được thực hiện trong các trường hợp:
Thứ nhất, đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc điều chỉnh về địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch.
Thứ hai, đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng, có sự điều chỉnh quy hoạch cao hơn hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; hình thành dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian của khu chức năng.
Dự thảo cũng yêu cầu phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ (nếu cần thiết).
TP Mỹ Tho là đô thị cấp vùng, trung tâm vùng tỉnh Tiền Giang
Sáng 08/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2050.
Theo đó, quy mô lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP Mỹ Tho, với tổng diện tích tự nhiên 8.224,07 ha.
Thời hạn quy hoạch: Ngắn hạn đến năm 2035, dài hạn đến năm 2050.
Về tính chất đô thị, dự thảo nêu rõ, TP Mỹ Tho là đô thị cấp vùng, trung tâm vùng tỉnh Tiền Giang, là đô thị hạt nhân - cực phát triển phía Tây Nam của vùng TP.HCM, đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc vùng ĐBSCL.
Đồng thời là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Tiền Giang; trung tâm du lịch về văn hóa lịch sử, du lịch sông nước vườn cây ăn trái đặc trưng cấp quốc gia, trung tâm thương mại - dịch vụ; đô thị phát triển theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh...
Huyện Khánh Vĩnh phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 116.643ha, với 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 13 xã.
Ngoài ra, toàn huyện Khánh Vĩnh sẽ được chia thành 3 tiểu vùng:
Tiểu vùng 1 ở phía Đông Nam - Tiểu vùng hành chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, bao gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 5 xã: Khánh Nam, Cầu Bà, Khánh Thành, Sông Cầu, Khánh Phú.
Tiểu vùng 2 ở phía Bắc, gồm tiểu vùng nông lâm nghiệp, năng lượng xanh, bao gồm 4 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung.
Tiểu vùng 3 ở phía Tây Nam, sẽ quy hoạch du lịch, lâm nghiệp và bảo tồn rừng, bao gồm 4 xã: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang.
Kiến nghị bổ sung Khu bến cảng Phù Mỹ vào quy hoạch cảng biển Việt Nam
UBND tỉnh Bình Định có văn bản kiến nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch Khu bến cảng Phù Mỹ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bến cảng Phù Mỹ có quy mô 1.442,7 ha, thuộc vùng biển hai xã Mỹ An, Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Bến cảng được kỳ vọng sẽ trở thành khu chức năng (công trình giao thông - cảng biển) gắn liền với Khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho Khu công nghiệp Phù Mỹ.
Dự báo sơ bộ khối lượng hàng hóa thông qua bến cảng giai đoạn đến 2030 khoảng 2,6 triệu tấn/năm và giai đoạn 2030 - 2050 là khoảng 16,6 triệu/năm...