7 công trình tiêu biểu mang đậm kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội

00:05 01/01/2022
Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội như Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn… Theo dòng lịch sử, kiến trúc Pháp mang hơi hướng cổ điển ấy đã để lại cho Hà Nội một nét riêng biệt.

Phủ Chủ tịch

Tòa nhà được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1906, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Charles Lichtenfelder thiết kế.

Tòa nhà là một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương gồm 30 phòng, mỗi phòng có một phong cách trang trí khác nhau.

Tòa nhà được quét vôi vàng, nằm sau cổng sắt, các yếu tố mang đậm nét kiến trúc Phục hưng Ý, giống nhiều kiến trúc thuộc địa Pháp cùng thời.

Nhà hát lớn Hà Nội 

Là một công trình kiến trúc tại thành phố Hà Nội, phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí ở số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn và được sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Từng được gọi là Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày nay) thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d’Extrème - Orient), do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.

Công trình được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932 trên khu đất phía sau Nhà hát lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Trần Quang Khải ngày nay, một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường bờ đê.

Bộ Ngoại giao 

Công trình trụ sở Tài chính Đông Dương (nay là bộ Ngoại giao) được Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928.

Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương cũng do chính ông thiết kế.

Cầu Long Biên 

Là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Được người Pháp thiết kế và xây dựng từ giai đoạn năm 1898–1902, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: "1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris". Đây là cây cầu thép đầu tiên xây dựng bắc qua Sông Hồng.

Cầu dài 2290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá.

Ga Hà Nội

Ga Hà Nội tên cũ là Ga Hàng Cỏ, là một nhà ga xe lửa lớn của Việt Nam. Được khởi công xây dựng năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902 do kiến trúc sư Boreil và Vildieu thiết kế.

Theo đồ án quy hoạch, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.

Nhà khách Chính phủ

Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ, là ngôi nhà hai tầng ở số 12 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đây từng là nơi đặt trụ sở chính quyền Miền Bắc, và là một di tích lịch sử của Việt Nam. Đây là nơi ghi dấu ấn của Bác Hồ về đây làm việc năm 1945 với tên gọi Bắc Bộ Phủ.

Tòa nhà được xây dựng vào năm 1918, là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu.

Bình luận