Công trình xanh

7 nguyên tắc toàn cầu để môi trường xây dựng bền vững

7 nguyên tắc toàn cầu để môi trường xây dựng bền vững

Kỳ Anh Kỳ Anh - 20:27, 22/08/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựng7 nguyên tắc về hành động đối với carbon; khả năng thích ứng, chống chịu; kinh tế tuần hoàn; nước; đa dạng sinh học; sức khỏe; công bằng và tiếp cận. Các nhà hoạch định chính sách đã khẳng định với cách tiếp cận toàn diện và áp dụng kết hợp các nguyên tắc này sẽ đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững (SDGs).

Ngày 22/8 tại Hà Nội, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) phối hợp với Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị và Hội đồng Công trình xanh Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng xanh và bền vững - Kinh nghiệm thế giới và đề xuất giải pháp cho Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia của tổ chức trong nước, quốc tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh phát biểu tại Hội thảo.

Nguyên tắc toàn cầu môi trường xây dựng bền vững

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phan Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cho biết, để giải quyết các tác động về năng lượng tiêu thụ, khí thải nhà kính, vật liệu thô, chất thải rắn ngày càng gia tăng  ảnh hưởng đến sức khỏe con người, WorldGBC - hợp tác với mạng lưới GBC toàn cầu đặt ra các nguyên tắc để hướng dẫn Chính phủ các nước phát triển các chính sách và xây dựng chương trình cho môi trường xây dựng xanh, bền vững, bao gồm: ưu tiên cải tạo công trình hiện hữu và loại bỏ khí thải carbon trong vận hành và carbon hàm chứa trong tòa nhà trong suốt vòng đời công trình;

Tăng cường khả năng đối phó của ngôi nhà và cộng đồng với các rối loạn và áp lực bên ngoài bằng cách tích hợp khả năng thích ứng và chống chịu; loại bỏ lãng phí trong chuỗi cung ứng xây dựng bằng cách giảm sử dụng vật liệu thô và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và vật liệu thông qua kinh tế tuần hoàn;

Bảo vệ và bảo quản nguồn nước và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng nước sạch, vệ sinh, bền vững, an toàn; tái tạo các hệ thống tự nhiên và phục hồi đa dạng sinh học bằng cách tránh phát triển trên đất có tính đa dạng sinh học cao và ưu tiên các giải pháp dựa và thiên nhiên nhằm ưu tiên, mở rộng và bảo vệ môi trường tự nhiên;

Phát triển các tòa nhà và thành phố lành mạnh, công bằng và ổn định, mang lại sự cải thiện về sức khỏe cho dân cư và cộng đồng trong toàn bộ vòng đời công trình; hỗ trợ việc tiếp cận bình đẳng cho tất cả công dân đến ngôi nhà và cộng đồng an toàn, khỏe mạnh, bền vững.

Các nguyên tắc này củng cố và xây dựng để nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ đề và phải được áp dụng một cách tích hợp để tạo ra lợi ích từ các mối liên kết giữa chúng.

Bằng cách tiếp cận toàn diện để áp dụng các nguyên tắc này, các nhà hoạch định chính sách có thể đảm bảo rằng chính sách và quy định mang lại hành động chuyển đổi cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Mục tiêu Toàn cầu về phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam Phan Thu Hằng giới thiệu các nguyên tắc toàn cầu để môi trường xây dựng bền vững 

Công trình hình mẫu về giải pháp xây dựng xanh

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam, thuộc trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, là công trình đầu tiên của Bộ Xây dựng được đầu tư xây dựng áp dụng đồng bộ các giải pháp về thiết kế kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng, lắp đặt các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, địa nhiệt, sử dụng thiết bị tiết kiệm nước, tận dụng chiếu sáng tự nhiên, đảm bảo điều kiện thông gió và tiện nghi chất lượng không khí trong nhà.... Công trình cũng đã được Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) cấp chứng chỉ công trình xanh Lotus hạng Vàng.

Công trình đưa vào sử dụng sẽ trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động đào tạo, hội nghị, hội thảo, sự kiện quảng bá, trình diễn về công trình xanh tại Việt Nam. Từ đó mở ra một lĩnh vực phát triển mang tầm quốc tế về công nghệ xây dựng xanh và đô thị thông minh cho ngành Xây dựng nói riêng, Việt Nam nói chung, nhất là trong bối cảnh Bộ Xây dựng sắp khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2023.

Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh, thúc đẩy phát triển xây dựng xanh, bền vững đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành và là cả một quá trình tiếp nối không ngừng.

Vì vậy, Bộ Xây dựng luôn quan tâm và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để các trường đại học tổ chức các chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn nhằm chuyển tải những nội dung, hoạt động liên quan đến công trình xanh vào môi trường học đường, tạo điều kiện cho các em sinh viên kiến trúc, xây dựng tiếp cận, làm quen và nắm vững những nguyên tắc, nội dung và ý nghĩa của công trình xanh đối với sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Toàn cảnh Hội thảo.

Với Công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam, ThS.KTS Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch IBPSA Việt Nam, Giám đốc VILANDCO cho biết, công trình được xây dựng bằng gạch không nung, sử dụng điện mặt trời áp mái. Ngay từ giai đoạn thiết kế, KTS đã tính toán về ánh sáng tự nhiên, không gian xanh, giải pháp che nắng. Yếu tố xanh được đưa vào nhiều hạng mục kỹ thuật khác nhau và kết nối với các tiện ích của nhà trường và giao thông công cộng.

Đặc tính của công trình này: Giảm 25,5% tổng năng lượng sử dụng toàn công trình; 82,8% không gian sử dụng có ánh sáng tự nhiên; 100% không gian sử dụng được cấp khí tươi; 94% không gian sử dụng có tầm nhìn ra bên ngoài; mô hình BIM được sử dụng trong quá trình thiết kế và vận hành tòa nhà.

Theo ThS.KTS Nguyễn Trung Kiên, công trình xanh mang lại rất nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ sinh thái và đang dạng sinh học, cải thiện chất lượng không khí và nước, giảm chất thải gây hại môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tính tiện nghi và bảo vệ sức khỏe con người, giảm chi phí vận hành, nâng cao giá trị tài sản và lợi nhuận, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế suốt vòng đời công trình.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị Trịnh Văn Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị Trịnh Văn Dũng nhấn mạnh, Công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.

Công trình đưa vào sử dụng từ tháng 1/2022, đến nay, nhà trường đã bố trí, sắp xếp các khu làm việc, phòng thí nghiệm, thực hành, biên soạn tài liệu, xây dựng những cuốn phim tư liệu giới thiệu về công trình, đồng thời tổ chức nhiều khóa đào tạo, tham quan, trải nghiệm cho các giảng viên, sinh viên của nhà trường và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội.

Cũng tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các đơn vị tư vấn, thiết kế đã trao đổi nhiều nội dung xoay quanh chủ đề về các giải pháp, công nghệ nhằm thúc đẩy xây dựng xanh và bền vững tại Việt Nam.

Hội thảo là tiền đề cho những bước tiến mới trong hợp tác nghiên cứu, học tập về xây dựng xanh và tự động hóa các tòa nhà thông minh. 

Ý kiến của bạn

Chủ đề bạn có thể quan tâm