7 quy hoạch được phê duyệt theo Luật Quy hoạch

06:36 26/04/2022
Trong đó có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Bốn quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia; Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai. Các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ gồm: 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh (TP.HCM chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch).

Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Báo cáo số 2553/BKHĐT-QLQH ngày 18/4/2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng số vốn dự toán kinh phí lập quy hoạch đã duyệt là 4.367,99 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân tính đến 28/2/2022 của các Bộ, ngành là 244,687 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia tư vấn về quy hoạch trên cả nước đã được huy động, cơ bản các Bộ, ngành và địa phương đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch và chủ yếu theo hình thức liên danh tư vấn.

Trong số các quy hoạch đã lựa chọn được đơn vị tư vấn, có 14 quy hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài gồm: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch của 13 địa phương. Riêng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, Bộ GTVT đã sớm tổ chức đấu thầu để lựa chọn tư vấn, đồng thời đã thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt trong triển khai khi tận dụng được sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức quốc tế như JICA, KOICA để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đã được đưa vào vận hành gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia từ năm 2018; hiện đang được vận hành, quản lý, khai thác trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được kết nối, liên thông với Cổng thông tin Chính phủ và của Bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực, 04 Bộ đã ban hành quyết định bãi bỏ 61 quy hoạch và 51 địa phương đã ban hành quyết định bãi bỏ 507 quy hoạch sản phẩm, đã góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, quản lý và thúc đẩy phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường, phát triển bền vững; bỏ được các rào cản làm giảm các thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 

Bình luận