95% thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu do địa phương thực hiện

07:00 10/01/2025
Quy định mới của Chính phủ về một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng phân cấp cho địa phương thực hiện khoảng 95% thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng…
95% thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu do địa phương thực hiện
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Những điểm mới cốt lõi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, ngày 30/12/2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng, thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định mới 03 nhóm nội dung liên quan đến: Thứ nhất, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề. Trong đó, phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hạng I cho địa phương thực hiện, đồng thời loại bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề một số lĩnh vực không còn cần thiết;

Phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án có công trình cấp đặc biệt, công trình phức tạp, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn;

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không còn thực sự cần thiết, như giảm loại dự án, công trình phải thẩm định tại cơ quan quản lý nhà nước thông qua mở rộng đối tượng dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (từ tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, bổ sung các dự án bảo trì, duy tu, bảo dưỡng thuộc nhóm C); giảm tối đa các trường hợp điều chỉnh thiết kế bước sau không phải thực hiện điều chỉnh dự án,…

Bổ sung quy định để cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các Bộ chuyên ngành tăng cường kiểm tra việc tổ chức quản lý, thực hiện của cơ quan chuyên môn tại địa phương.

Nghị định số 175/2024/NĐ-CP phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu...

Thứ hai, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó đã chuẩn hóa hồ sơ yêu cầu trình nộp gắn với nội dung thực hiện thủ tục hành chính; lược bỏ tối đa các giấy tờ không cần thiết để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; bỏ yêu cầu cung cấp các thông tin, giấy tờ pháp lý đã có trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (khi các hệ thống này đi vào hoạt động, chia sẻ, kết nối).

Loại bỏ các nội dung quản lý trùng lắp giữa các bước trong trình tự đầu tư; quy định rõ danh mục, tiêu chí tuân thủ khi thực hiện đánh giá tại các thủ tục hành chính về thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ,… để tăng cường minh bạch.

Rà soát để loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Gộp một số lĩnh vực chứng chỉ hành nghề không yêu cầu chuyên môn chuyên biệt (quản lý dự án, giám sát xây dựng,…). Kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 05 năm lên 10 năm. Đẩy mạnh việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng...

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đồng bộ hệ thống pháp luật, trong đó quy định rõ hơn về các loại quy hoạch hoặc văn bản pháp lý tương đương được sử dụng làm cơ sở lập dự án, đồng thời là cơ sở cấp Giấy phép xây dựng để giải quyết thực tiễn các dự án được hình thành từ nhiều loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành cũng như tình trạng một số địa phương còn chưa phủ kín đồng bộ quy hoạch.

Bổ sung quy định về công trình ngầm, tầng hầm của công trình xây dựng đồng bộ với quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giải quyết vướng mắc về việc thiếu thông tin về tầng hầm tại các cấp độ quy hoạch.

Hệ thống hóa đầy đủ, rõ ràng các loại giấy tờ hợp pháp đất đai làm cơ sở cấp Giấy phép xây dựng, đồng bộ với Luật và các Nghị định về đất đai mới ban hành.

Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng, dự kiến sau khi Nghị định số 175/2024/NĐ-CP có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước. Việc kết hợp áp dụng BIM và hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động xây dựng về thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng sẽ là cơ hội để tăng tốc số hóa trong ngành xây dựng...

Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định

Đáng chú ý, Điều 16 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định cụ thể các nội dung liên quan đến thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, trong đó việc thẩm định dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công và dự án PPP do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án còn lại, trừ dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo chuyên ngành quản lý quy định tại Điều 121 Nghị định thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với: (1) Dự án sử dụng vốn đầu tư công; (2) Dự án PPP; (3) Dự án có quy mô nhóm B trở lên, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; (4) Dự án có quy mô lớn quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác.

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định dự án do Thủ tướng Chính phủ giao; dự án có công trình cấp đặc biệt; dự án được đề nghị thẩm định theo quy định tại khoản 10 Điều;

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.

Đối với dự án thuộc chuyên ngành quản lý do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quyết định đầu tư thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ này thực hiện việc thẩm định;

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực hàng không, đường sắt và hàng hải;

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ NN&PTNT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đê điều có mục tiêu đầu tư và phạm vi khai thác, bảo vệ liên quan từ hai tỉnh trở lên;

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng được xây dựng trên biển theo pháp luật về biển và pháp luật chuyên ngành nằm ngoài phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh;

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND TP Hà Nội, TP.HCM thẩm định dự án do Chủ tịch UBND thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư;

Thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai, thẩm quyền thẩm định với các hạng mục còn lại của dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Đối với dự án gồm nhiều công trình với nhiều loại và cấp khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xác định theo công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính...

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Cục Quản lý hoạt động xây dựng, diễn ra sáng 27/12/2024, Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh, Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (thời điểm này là Nghị định số 175/2024/NĐ-CP - PV) có nhiều đổi mới rất cơ bản, cần các cơ quan chuyên môn địa phương khi thực hiện phân cấp nắm được, để thực hiện bảo đảm bảo đúng quy định. Cục Quản lý hoạt động xây dựng cũng sẽ tăng cường hướng dẫn thêm.

Bình luận