Sau vụ cháy “chung cư mini”: Ám ảnh những văn bản “tổng kiểm tra - tổng rà…”

18:35 15/09/2023
Vụ cháy nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ khép kín trong hẻm 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9 rạng sáng 13/9 đã chỉ rõ những khiếm khuyết “chết người” trong quản lý loại hình nhà ở này tại các đô thị.

Điểm lại trong vòng 5 năm qua, với loại hình nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ khép kín (thường gọi là “chung cư mini”), trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng.

Tháng 10/2022, vụ cháy tòa nhà ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) với 6 tầng và một tum, diện tích mỗi tầng khoảng 50m2, đã khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người.

Cũng tại phường Khương Đình, đêm 6/3/2023, xảy ra vụ cháy tại nhà số 315 Vũ Tông Phan khiến hơn 170 người đang sinh sống tại tòa nhà này phải tháo chạy trong hoảng loạn.

Tháng 5/2023, một vụ cháy cũng xảy ra ở tầng 3 của khu nhà tại ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa).

"Chung cư mini" tại 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội sau vụ cháy đêm 12/9 rạng sáng 13/9/2023. 

Một điểm dễ nhận thấy là hầu hết những tòa nhà dạng này phần lớn xây sai phép, không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Những điều này vốn không mới. Trước đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là vi phạm các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công và quản lý chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ kiểu khép kín, ngày 18/6/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản 2937/BXD-QLN về việc tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với loại nhà ở này.

Theo cảnh báo của Bộ Xây dựng, tại các khu vực đô thị ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, các hộ gia đình, cá nhân tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở, không tuân thủ các quy định của pháp luật: Xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.

Ngay với Hà Nội, UBND Thành phố cũng đã ban hành Quyết định 07/2022/QĐ-UBND quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội về quy mô công trình, nhà ở riêng lẻ. Theo đó, nhà loại này sẽ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn được xây tối đa 04 tầng, tổng chiều cao không quá 15m và được xây dựng 01 tầng tum che mái không quá 3m. Tuy nhiên, phần lớn trong số các tòa nhà loại này đều vượt về số tầng và vượt chiều cao tối đa; nhiều trường hợp không bị phạt hoặc đã bị phạt nhưng vẫn cho tồn tại.

Có một câu hỏi được đặt ra là, tại từng địa bàn cơ sở, mỗi khi một cá nhân hay tổ chức nào đó thực hiện các hoạt động xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng, địa chính, chính quyền sở tại đều nắm rõ. Vậy tại sao những tòa nhà vượt tầng vẫn cứ lừng lững mọc lên và đi vào vận hành: bán, cho thuê…?!

Câu trả lời rằng, chính sự buông lỏng của một bộ phận những người làm công tác quản lý trật tự xây dựng, sự thiếu giám sát của chính quyền địa phương đã khiến tình trạng xây dựng trái phép của tòa nhà riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ “nở rộ” tại khắp nơi. Điều này góp phần vào làm gia tăng áp lực dân số cũng như phá vỡ cảnh quan tại nhiều khu vực, đặt môi trường đô thị của thành phố vào nhiều thử thách với những nguy cơ, trong đó mối nguy cháy nổ là hiện hữu.

Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh tương đối đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện: Thứ nhất, phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; thứ hai, bảo đảm an toàn cho công trình; thứ ba, đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; thứ tư, có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Để bảo đảm an toàn PCCC thì chủ đầu tư phải tuân thủ ngay từ thiết kế xây dựng toà nhà ban đầu. Thế nhưng, với nhà trong hẻm 29/70 Khương Hạ vừa bị cháy, giấy phép xây dựng được cấp là giấy phép xây nhà riêng lẻ 6 tầng, 1 tum, mật độ xây dựng 70%, nhưng chủ đầu tư đã xây 9 tầng, 1 tum với mật độ xây dựng 100%.

Trong quy hoạch chi tiết (1/500) đã quy định cụ thể cho từng lô đất, từng thửa đất như thế nào, tầng cao được xây dựng bao nhiêu, công trình nào phải đảm bảo khoảng cách với các lô đất xung quanh bao nhiêu… Khi trên một thửa đất, nhà đang ở, nhưng xây dư phòng cho thuê - tức là thay đổi mục đích sử dụng đất. Mật độ dân số theo đó tăng, kéo theo những áp lực lên hạ tầng và đặc biệt là PCCC. Nên đất ở chỉ dùng để ở, nếu muốn xây dựng cho thuê thì cần chiếu theo quy hoạch chi tiết, và nếu không đảm bảo thì phải chuyển sang khu vực khác.

Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh tương đối đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.

Khi một ngôi nhà xây sai phép, một phần hành lang đô thị bị xâm phạm, một hàng cây bị chặt bỏ, những khoảng xanh đô thị bị xóa… hẳn những người có nhiệm vụ quản lý, giám sát phải biết. Nhưng vì sao các việc làm sai trái không bị ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu? Ở đây, với nhà trong hẻm 29/70 Khương Hạ vừa bị cháy, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch đã bị buông lỏng. Quy hoạch là công cụ để quản lý, nhưng cơ quan chức năng quản lý biết mà vẫn để tồn tại thì câu chuyện ở đây không còn là câu chuyện của quy hoạch nữa!

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi năm xử lý khoảng trên 300 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Vậy còn bao nhiêu công trình khác nữa vi phạm trật tự xây dựng đã bị bỏ qua? Hà Nội có khoảng 2.000 "chung cư mini" (số liệu của Điện lực Hà Nội). Bao nhiêu trong số đó có tầm nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người dân như nhà riêng lẻ trong hẻm 29/70 Khương Hạ vừa bị cháy?

Sau mỗi vụ việc xảy ra, các cấp chính quyền lại ban hành văn bản “tổng kiểm tra”, “tổng rà soát”… Những nội dung kiểu như vậy đang khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu lực và hiệu quả trong việc ban hành, thực thi, giám sát và xử lý công việc của các cấp hành chính, đặc biệt là từ cơ sở. Vì sao chỉ khi để xảy ra những vụ việc đau lòng, thậm trí thành thảm họa như vụ cháy đêm 12 rạng sáng 13/9/2023, người ta mới lại ban hành các văn bản rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh…

Ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật, đi chệch với chuẩn mực xã hội là trách nhiệm của mỗi công dân. Trong đó, tiên phong phải là bộ phận những người thực thi công vụ.

Với vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng vừa cướp đi sinh mạng của 56 người (trong đó có 16 nạn nhân đang tuổi lẽ ra được đến trường) xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cần phải qui trách nhiệm cụ thể, chỉ rõ gốc rễ của vụ việc. Có vậy, mới không còn những cảnh tang thương như thế!

Bình luận