Ẩn sau tín hiệu kinh tế phục hồi là nỗi lo

07:16 02/11/2022
Những động lực thúc đẩy truyền thống như chính sách tài khóa, tiền tệ gần như hết dư địa. Do vậy không gian cho tăng trưởng thời điểm này chính là đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản nhằm tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh, rất cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Và đây cũng là yếu tố duy nhất còn lại có thể thúc đẩy tăng trưởng. TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với ĐTTC.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong thời điểm hiện nay là thúc đẩy đầu tư công.

Phóng viên: - Chính phủ ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, đây là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu đã đặt ra là 6,5%. Cá nhân ông nhìn nhận về tình hình và triển vọng thế nào? 

TS Nguyễn Đình Cung: - Đây là mục tiêu khá cao, nhưng đặt mục tiêu cao để phấn đấu. Đúng là chúng ta đã có được mức tăng trưởng cao với GDP ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đó là so nền thấp tăng trưởng năm 2021. Nay trong bối cảnh diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới, chúng ta phải bình tĩnh nhìn lại bức tranh thật của nền kinh tế đầy đủ và toàn diện hơn trong năm 2022. 

Bởi lẽ dù lạc quan nhưng chúng ta không thể chủ quan khi không thể thoát ra được bối cảnh chung của thế giới đang có vẻ ảm đạm hơn. Động thái thắt chặt tiền tệ ở các nước tiếp tục gia tăng và thực tế này có thể tiếp tục kéo dài sang cả năm 2023. Lạm phát vẫn cao và dai dẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng USD tiếp tục lên giá, các đồng tiền khác tiếp tục mất giá. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang với các bất định kéo theo. Và nguy cơ Trung Quốc kéo dài chính sách zero Covid… 

Trong nước, diễn biến tình hình có một số điểm trở nên xấu hơn so với trước, do các yếu tố bất lợi từ bên ngoài bắt đầu thẩm thấu với tốc độ và quy mô khá nhanh vào kinh tế - xã hội nước ta. Nguy cơ lạm phát gia tăng nhanh hơn. Tỷ giá nguy cơ tiếp tục tăng thêm, gây áp lực mạnh hơn lên lạm phát. Lãi suất huy động và cho vay tăng. Dự trữ ngoại tệ giảm mất 20% do phải can thiệp ổn định tỷ giá. Trên thị trường chứng khoán tâm lý bất an, bất định đang khá phổ biến. Niềm tin thị trường đang giảm sút. Tình trạng này còn có thể kéo dài, vì nguyên nhân cơ bản nằm ở ngoài thị trường, ngoài kinh tế. 

- Như ông phân tích thì quá trình tăng trưởng buộc phải chững lại vì bắt đầu thẩm thấu từ bên ngoài? 

- Các yếu tố bất lợi bên ngoài vẫn tiếp tục kéo dài. Dự báo năm 2023, thế giới đang có nguy cơ rơi vòng xoáy lạm phát và suy thoái làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu, và tác động trực tiếp lên sản xuất và xuất khẩu của nước ta trong quý IV và năm 2023. 
Kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn hàng giảm sút, có một số ngành giảm mạnh. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn hơn do tiếp cận tín dụng khó hơn, thậm chí không tiếp cận được, lãi suất tín dụng cao hơn đáng kể. Chi phí sản xuất gia tăng hơn do tác động trực tiếp của tăng tỷ giá…

Các chính sách tài khóa và tiền tệ đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên chống lạm phát nên khó thúc đẩy tăng trưởng. Nhìn về các động lực tăng trưởng thì cầu trong nước sẽ giảm do thắt chặt chi tiêu (trước đây có lẽ các khoản lợi khổng lồ từ bất động sản và chứng khoán đã phần nào chuyển sang ô tô, các hàng hóa cao cấp, các chuyến du lịch….), cầu đầu tư giảm, xuất khẩu giảm tốc…

- Trên nghị trường, các đại biểu cũng đề cập nhiều đến việc cần chủ động các kịch bản ứng phó với kịch bản xấu nhất khi thế giới xảy ra khủng hoảng kinh tế?  Vậy chúng ta có thể nên làm gì?   

- Thứ nhất, những việc chúng ta có thể làm để thúc đẩy tăng trưởng, đó là thúc đẩy đầu tư công và mở cửa mạnh thực chất du lịch quốc tế. Đây là cứu cánh trước mắt. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng cũng cần xem xét để  bỏ hoặc thay đổi mục tiêu, phạm vi của gói hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi thương mại, nhất là ở các cửa khẩu biên giới Việt-Trung và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. 

Thứ hai, về vĩ mô, tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý (mức hợp lý tùy thuộc vào diễn biến thị trường và các yếu tố khách quan ngoài khả năng kiểm soát của Chính phủ, không đặt mục tiêu quá cứng). Đồng thời quản lý tỷ giá thuận theo thị trường, điều chỉnh linh hoạt ở mức hợp lý cả tỷ giá trung tâm và biên độ. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng phải đồng thời giải quyết các điểm nghẽn của thanh khoản, bảo đảm thanh khoản hợp lý của thị trường.

Thứ ba, lấy lại niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư. Đặc biệt là khôi phục lại lòng tin và động lực cho công chức, các cơ quan nhà nước. Xóa bỏ tâm lý sợ làm sai đang là rào cản, đang là thách thức lớn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Và cần giải tỏa các bất an, bất định và tâm lý có phần hoang mang của các nhà đầu tư, từng bước khôi phục niềm tin thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

 Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta. Báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp. Theo đó linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh. 

ĐB Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

 Hiện nay nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Đối với cán bộ còn hạn chế về năng lực sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ Nhân dân. 

ĐB Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Nguồn: Báo SGGP 

Bình luận