Trên Tạp chí Xây dựng in số ra tháng 12/2024 có đăng bài “VLXD âm carbon và mong muốn kiến tạo tương lai không rác thải” đã gây được sự chú ý của nhiều người.
Bởi lẽ khi cả loài người đang vật lộn với mục tiêu Net Zero (tức không phát thải thêm CO2 vào khí quyển) thì nay, các nhà khoa học ở Việt Nam lại tạo nên được một sản phẩm VLXD không những được sản xuất từ 100% phế thải công nghiệp mà còn có khả năng hấp thụ CO2 trong quá trình sử dụng.
Có lẽ vì ý nghĩa đó mà Dự án nghiên cứu này đứng trong top 100 ý tưởng xuất sắc nhất thế giới, được lựa chọn và trình bày tại Dubai bên lề COP 28 mới đây.
TS Tăng Văn Lâm, Chủ nhiệm đề tài thuộc nhóm nghiên cứu Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết, đây sẽ là một giải pháp có tính đột phá cho ngành công nghệ sản xuất vật liệu “xanh” mới, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng cao, vừa giúp cắt giảm chi phí sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, đồng thời góp phần tích cực hơn nữa trong việc loại bỏ khí thải Carbon dioxide khỏi khí quyển trong quá trình sản xuất công nghiệp, giúp giải quyết vấn đề về rác thải trong công nghiệp.
Đáng chú ý, sản phẩm mẫu bê tông “xanh” còn có khả năng hấp thụ khí thải CO2 sẽ góp phần tái sử dụng một lượng lớn khí thải CO2 để hình thành các thành phần vật chất đóng rắn tự nhiên trong vật liệu, thu được vật liệu có các tính chất cơ học cao hơn. Và quan trọng hơn cả, quá trình hấp thụ CO2 tự nhiên trong sản phẩm này sẽ dẫn đến giảm lượng khí thải CO2 ròng trong môi trường thời gian tới, đóng góp to lớn vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như đã cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26…
Mừng đấy nhưng lại buồn ngay đấy, bởi khi được hỏi: “Trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc phát triển sản phẩm này là gì?” thì câu trả lời lại giống như nhiều nhà khoa học khác khi phát minh, sáng chế ra sản phẩm mới, đó là “thiếu... cơ chế”!
TS Tăng Văn Lâm nói: “Tôi cho rằng, điểm nghẽn ban đầu cần được tháo gỡ hiện nay để các doanh nghiệp trong ngành sản xuất VLXD “xanh” đang gặp phải đó là vấn đề về giá. Hầu hết các sản phẩm này không được trợ giá, cũng không được ưu tiên khi đưa sản phẩm của mình vào công trình xây dựng. Đây chính là nguyên nhân khiến các sản phẩm VLXD “xanh” không thể tự do cạnh tranh, cũng không dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn so với sản phẩm truyền thống. Bởi tâm lý người tiêu dùng thường muốn lựa chọn những gì quen thuộc.
Đặc biệt, đơn giá của sản phẩm bê tông “xanh” chưa được quy định nên rất khó khăn khi tính toán giá trị đầu tư của công trình. Thêm nữa là, các quy định liên quan đến xử lý chất thải và quản lý môi trường của Bộ TN&MT hiên tại có thể làm phức tạp quy trình tái sử dụng phế thải công nghiệp, ảnh hướng đến hoạt động sản xuất bê tông “xanh”.
Ngoài ra, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá đầy đủ tính chất cũng như ảnh hưởng của sản phẩm bê tông “xanh” sử dụng 100% phế thải công nghiệp, gây khó khăn cho việc áp dụng rộng rãi sản phẩm này trong tương lai”.
Vậy làm thế nào để những sáng chế, phát minh của các nhà khoa học có được những cơ chế phù hợp của các nhà hoạch định chính sách? Có lẽ câu trả lời phần nào sẽ nằm trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước đang diễn ra hiện nay!