Bước tiến trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học
Tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo phục vụ ngành công nghệ thông tin, kinh tế, quy hoạch, xây dựng, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Nhà trường xác định sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu chất lượng cao với hàm lượng chất xám tốt để phục vụ cộng đồng.
Trong đó, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo các ngành học: Công nghệ thông tin, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… đang là vấn đề được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo đó, nội dung buổi Hội thảo ngày hôm nay nhằm giúp các thầy cô, các chuyên gia thảo luận về những thách thức và ứng dụng hiệu quả công nghệ mới tiên tiến vào lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu.
Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, hiện nay mỗi ngày thế giới tạo ra khoảng 2,5 triệu Terabyte dữ liệu, nếu được khai thác và xử lý hiệu quả, sẽ mang lại những giá trị vô cùng lớn, phục vụ cho mọi mục đích của con người, trong đó có cả đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và đặc biệt là điện toán đám mây, đã trở nên vô cùng cần thiết.
PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giúp cho sinh viên có môi trường tiếp cận tốt hơn đối với yêu cầu mới của thực tiễn, đây cũng là xu hướng chung của các trường đại học và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội không nằm ngoài xu hướng này.
Cải thiện sự hấp dẫn của các chương trình học
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng các thầy cô đã chia sẻ, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến: Tăng tốc chuyển đổi số trong giáo dục; case study về chuyển đổi số trong ngành giáo dục; ứng dụng cloud xử lý ảnh viễn thám; ứng dụng AI trong giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin; cá nhân hóa đào tạo nhân lực với phân tích dữ liệu; ứng dụng AI tạo sinh trong giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt, chia sẻ về những hiệu quả mang lại trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đại học, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh mảng Giáo dục của AWS cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục là động lực chính để cải thiện sự hấp dẫn của các chương trình học, sự tham gia và giữ chân sinh viên; Cho phép các quyết định hoạt động dựa trên dữ liệu; đa dạng hóa thiết kế học tập và cung cấp chương trình giảng dạy; tăng tốc nghiên cứu và hợp tác; trải nghiệm cá nhân hóa và hấp dẫn cho cả sinh viên và nhân viên; giảm lượng khí thải carbon và cải thiện tính bền vững.
Đáng chú ý, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang trở thành một trong những xu thế nổi trội bởi sự hữu dụng trong ứng dụng quản lý cũng như dạy và học. AI tạo sinh là công nghệ cho phép máy tính tạo ra dữ liệu mới mà không cần sự can thiệp của con người, có thể tạo ra những nội dung mới (câu chuyện, hình ảnh, âm nhạc, văn bản, hoặc thậm chí là video…).
AI tạo sinh đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ vào những lợi ích và tính năng độc đáo mà nó mang lại. Công nghệ này mang đến những tiện ích mới, giúp quá trình xử lý dữ liệu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ vào các tính năng tiên tiến.
AI có khả năng xử lý hàng triệu dữ liệu nhanh chóng, giúp chúng ta khám phá mối liên hệ và thông tin mới từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau; có thể thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn con người, giúp tối ưu hóa hiệu suất làm việc và tiết kiệm năng lượng; tăng cường hiệu quả và chính xác trong quá trình sản xuất và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng.
Nói cách khác, tính ưu việt của AI tạo sinh là những trải nghiệm mới cũng như hiệu suất trong quá trình làm việc, có thể kích hoạt sáng tạo và mở khóa các giá trị mới.
Ông Trần Anh Tuấn khẳng định, việc nắm bắt và ứng dụng công nghệ mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhu cầu hết sức cấp thiết với tất cả các doanh nghiệp cũng như hệ thống giáo dục và đào tạo.
Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đại học cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để chương trình đào tạo ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu nhân lực...