Áp lực di dân đến đô thị

07:00 07/01/2025
Vấn đề điều chỉnh chính sách về dân số đang được các cơ quan quản lý đặt ra. Tuy nhiên, để triển khai các chính sách mới, rất cần một sự điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là vấn đề di dân đến các vùng đô thị.

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 06/01, cho thấy, Việt Nam vẫn trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với hai người trong tuổi lao động thì một người phụ thuộc. Song chỉ số già hóa dân số tăng nhanh hơn so với những năm 2014 - 2019.

Từ năm 2019 đến 2024, dân số Việt Nam tăng mỗi năm gần một triệu người song tốc độ tăng bình quân chỉ đạt 0,99%, giảm so với mức 1,22% giai đoạn 2014 - 2019.

Gần 15 năm từ 1999 đến 2022, mức sinh của Việt Nam ổn định quanh mức sinh thay thế. Hai năm qua, mức sinh có dấu hiệu giảm nhanh từ 1,96 con mỗi phụ nữ năm 2023 xuống còn 1,91 con vào năm 2024.

Tỷ lệ dân số thành thị trên 38% trong khi nông thôn gần 62%. Dân số thành thị tăng bình quân hơn 3% mỗi năm trong 5 năm qua, nhanh gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2014 - 2019. Dân số Hà Nội đạt gần 8,7 triệu người; TP.HCM 9,5 triệu người.

Điều tra giữa kỳ ghi nhận 60% người di cư độ tuổi 20 - 39, có hiện tượng "nữ hóa di cư" khi nữ giới chiếm 55,7% trong tổng số người rời đi. Khoảng 40% người di cư chuyển nơi ở mới để tìm kiếm việc làm hoặc bắt đầu công việc mới, trong khi hơn 30% theo gia đình hoặc chuyển nhà.

Trong bối cảnh đó, vấn đề điều chỉnh chính sách về dân số đang được các cơ quan quản lý đặt ra. Tuy nhiên, để triển khai các chính sách mới (nếu được ban hành), rất cần một sự điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là vấn đề di dân đến các vùng đô thị.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sinh sống tại các đô thị. Việt Nam cũng là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, hàng năm có trên 1 triệu dân trở thành dân cư đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 43%, đến năm 2030, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 50%, dân số đô thị của Việt Nam chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang đặt ra những thách thức về quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tổ chức tốt cuộc sống xã hội.

Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất với dòng người di cư khi ba thành phố lớn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tập trung các khu công nghiệp tạo ra nhiều việc làm. Trên 57% người di cư đến Đông Nam Bộ đến từ Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi trên 62% đến Đồng bằng sông Hồng từ Trung du và miền núi phía Bắc.

13 tỉnh thành có tỷ suất di cư thuần dương, tức người nhập cư nhiều hơn xuất cư. Trong đó, Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất 77,6‰; Bắc Ninh 61,8‰, Đà Nẵng trên 55‰, Cần Thơ 30,9‰ và TP.HCM 25,8‰.

Những điều đó đang là thách thức lớn trong thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cũng cho thấy, đô thị đang trở thành “thỏi nam châm” hút dân đến ở. Nhưng, khi mà hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội chưa được chuẩn bị chu đáo, tất yếu, sự hỗn loạn sẽ diễn ra. Mà nhãn tiền ở nhiều đô thị là tình trạng ngập úng, tắc đường, ô nhiễm…

Không những thế, hầu hết các quy hoạch phát triển của Việt Nam đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực của đất nước. Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân của thực trạng này.

Sự manh mún càng thể hiện rõ khi đô thị phát triển lan nhanh theo chiều rộng. Thiếu thiết kế đô thị, chắp vá trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều thành phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc. Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, bệnh viện, công viên,… trở nên nan giải. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách - nguồn lực của quốc gia - đã bị ném vào cho việc giải tỏa xây dựng cầu, mở đường, làm các công trình thoát nước, trạm xe buýt, metro, chợ…

Điều chỉnh chính sách dân số ở giai đoạn này là một yêu cầu cấp thiết, nhưng cũng cần có những nghiên cứu thấu đáo trước khi đưa ra những quyết định hành chinh như chúng ta vốn đã làm. Đặc biệt, cần lưu ý đến tình trạng di dân ồ ạt đến các đô thị. Bởi lẽ, việc gia tăng di dân đang là thách thức lớn đối với các cấp chính quyền đô thị, khiến nhiều đô thị trở lên quá tải. Nó đòi hỏi cần một bộ máy quản lý năng động và có tầm nhìn xa.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra tại các đô thị của Việt Nam, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những lợi ích trước mắt.                                                                                       

Bình luận