Thị trường

Bài 3: Triển khai đồng bộ các giải pháp để người thu nhập thấp, công nhân cải thiện nhà ở

Để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

Bài 3: Triển khai đồng bộ các giải pháp để người thu nhập thấp, công nhân cải thiện nhà ở

09:32, 29/09/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngĐể thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, bổ sung các chính sách ưu đãi cần có thêm các giải pháp đồng bộ, căn cơ và chính sách phát triển NƠXH đủ mạnh.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc  

Hơn 10 năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để người thu nhập thấp, công nhân tại các KCN có thêm nhiều cơ hội mua được nhà, có chỗ ở an toàn, ổn định, phù hợp với khả năng chi trả tài chính và thu nhập nhằm ổn định cuộc sống.

Để thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Xây dựng cũng đề xuất một số giải pháp, trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách về NƠXH. 

Cụ thể, các giải pháp chính bao gồm: Giải pháp về việc dành quỹ đất làm NƠXH, nhà ở cho công nhân; về tín dụng phát triển NƠXH; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH theo hướng khuyến khích đầu tư xã hội hóa; Quy định về ưu đãi và trách nhiệm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH theo hướng khuyến khích xã hội hóa; Về thẩm định giá bán NƠXH; Về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH; Về thủ tục hành chính trong đầu tư, quản lý; Về loại hình dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

Đối với các bộ, ngành, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp. Trước mắt, tập trung sửa đổi ngay các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính. 

Trong đó, tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án NƠXH, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng chính sách, nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách theo hướng hậu kiểm về giá bán, đối tượng, điều kiện.

Hơn 10 năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để người thu nhập thấp, công nhân tại các KCN có thêm nhiều cơ hội mua được nhà.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH trên phạm vi địa bàn.  

Cùng đó, quy hoạch, bố trí các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...

Nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án NƠXH, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh BĐS lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án. 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN sử dụng nhiều công nhân, người lao động, Bộ Xây dựng đề nghị cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về NƠXH 

Nhằm đạt hiệu quả các mục tiêu phát triển NƠXH các chuyên gia đều cho rằng, cần phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và thực hiện về thuế, phí đối với doanh nghiệp BĐS phát triển NƠXH. 

TS Cấn Văn Lực cho rằng, phát triển NƠXH là chính sách mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội. Trong đó, mục đích sử dụng NƠXH dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê. Vì thế, cần lưu ý đến vị trí, bố trí NƠXH linh hoạt theo từng địa phương. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được mua NƠXH.

Mặt khác, xây dựng chính sách phù hợp, minh bạch nhằm khắc phục tình trạng trục lợi chính sách trong phát triển NƠXH. Đặc biệt, TS Lực nhấn mạnh về chính sách ưu đãi thực sự về thuế, phí đối với doanh nghiệp BĐS phát triển NƠXH.

Gỡ vướng nhà ở công nhân - Ảnh 1.
Chuyên gia cho rằng, cần phải đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ về chính sách giúp người dân tiếp cận căn nhà đầu tiên với giá bán và cho thuê hợp lý đúng đối tượng. Ảnh minh họa: ITN.

Ngoài ra, cần quan tâm đến quy hoạch, linh hoạt hơn trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho NƠXH; quy định mức tối thiểu về diện tích, tối đa về giá trần NƠXH sát thị trường; cải cách qui trình, thủ tục đầu tư; điều kiện tiếp cận NƠXH; thời hạn cho vay mua NƠXH...

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chia sẻ, để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH. Cụ thể, sửa đổi nghiên cứu và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các cơ chế chính sách về NƠXH bao gồm:

Việc dành quỹ đất làm NƠXH, nhà ở công nhân; lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án NƠXH; quy định về ưu đãi và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án NƠXH; quy định về thẩm định giá bán NƠXH; rút ngắn thủ tục hành chính; ưu tiên tín dụng để cho vay với các dự án NƠXH, nhà ở công nhân. 

Để tháo gỡ các nút thắt trong phát triển NƠXH, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, bên cạnh các ưu đãi về lãi suất cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính.  

Đồng quan điểm trên, đại diện Tổng công ty Becamex IDC chia sẻ, cần phải đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ về chính sách giúp người dân tiếp cận căn nhà đầu tiên với giá bán và cho thuê hợp lý đúng đối tượng. 

Trong khi đó, theo số liệu thống kê, hiện có 70% công nhân làm việc trong các KCN sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây dựng. Vì thế, các yếu tố an toàn PCCC, an toàn về kết cấu trong quá trình vận hành chưa thực sự được đảm bảo.

Từ thực tế trên, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH. Đồng thời, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố.

Hướng đi đúng đắn của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 03/4/2023 đang được minh chứng từ thực tiễn. Bằng chứng là, với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án NƠXH, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh BĐS lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội.

Ý kiến của bạn