Bài học “tự ý”, “không đúng thẩm quyền” ở Khánh Hòa

07:02 25/10/2022
Bài học “tự ý”, “không đúng thẩm quyền”, rồi “vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát” trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đô thị đã không còn là mới trong khoảng chục năm nay ở tỉnh Khánh Hòa.

Tin Phó chủ tịch thường trực một huyện của tỉnh Khánh Hòa bị cách chức hôm mới đây dường như bị chìm luôn vào xa lộ thông tin cuồn cuộn trong cuộc sống hằng ngày. Bởi lẽ trong lĩnh vực quản lý đất đai những năm gần đây, những cán bộ bị kỷ luật, cách chức, thậm chí còn lâm vào vòng lao lý nhiều không sao kể hết, không chỉ ở cấp “quá thấp” như vị Phó chủ tịch huyện kia, mà chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, thành phố, rồi cao hơn nữa cũng không hề thiếu mặt…

Vậy có điều gì đáng bàn cho sự kiện này?

Xin bắt đầu từ sự kiện cách đây mấy tháng, khi Tỉnh ủy Khánh Hòa công bố kết quả hội nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) về việc xem xét thông qua kết quả kiểm tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và 8 cán bộ, nguyên lãnh đạo, đảng viên có trách nhiệm trong việc quản lý đất đai.

Theo kết quả kiểm tra, từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2021, đã xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định về đất đai khi cho phép 114 trường hợp "tặng, cho đất", "tự nguyện trả lại đất" cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách hơn 57 ha đất thành tổng cộng 2.350 thửa. Đó cũng là thời gian đã diễn ra các cơn sốt đất "phân lô, bán nền" ở huyện Cam Lâm.

Việc "tặng, cho đất", "tự nguyện trả lại đất" cho Nhà nước, rồi để Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông phục vụ quốc kế dân sinh vốn là điều đáng được hoan nghênh và xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, sự uẩn khúc lại nằm ở những thửa đất ven các con đường ấy, tức là những người “chủ động hiến đất làm đường” đã tiếp tục “chủ động” xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở và… phân lô bán nền.

Thực ra, chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 2018 đến 2021. Các nguồn tin chính thức cho hay, riêng tại TP Bảo Lộc, diện tích đất bị tác động để làm đường, phân lô mua bán trái phép đã lên tới 1.200 ha.

Sau khi các cơ quan báo chí đồng loạt đưa tin, UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Theo UBND TP Bảo Lộc, trong 4 năm (từ 2018 đến 2021), trên địa bàn thành phố Bảo Lộc đã có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa, trong đó có 115 hộ, cá nhân hiến đất làm đường giao thông, sau đó tách thành 12.736 thửa đất mới. Tổng diện tích đất người dân xin hiến gần 212 nghìn m2, đều là đất nông nghiệp…

Trở lại huyện Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa, các thông tin cho hay, mới đây, để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã ra quyết định hủy 4 quyết định của UBND huyện về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Cụ thể, hủy Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 11/7/2018 về việc cho phép bà Đỗ Thị Như Trâm chuyển mục đích sử dụng đất thửa đất số 322 tại thôn Bắc Vĩnh từ đất nuôi trồng thủy sản để sử dụng vào mục đích đất ở tại nông thôn với diện tích 2.000 m2.

Hủy Quyết định số 2122/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 về việc cho phép ông Lương Công Danh chuyển mục đích sử dụng đất tại thửa đất số 239 tổ dân phố Bãi Giếng 1 từ đất trồng cây hàng năm khác để sử dụng vào mục đích đất ở đô thị với diện tích 677,4 m2.
Hủy Quyết định số 2121/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 về việc cho phép bà Trần Thị Phương Hà chuyển mục đích sử dụng đất thửa đất số 236 tại tổ dân phố Bãi Giếng 1 từ đất trồng cây hàng năm khác để sử dụng vào mục đích đất ở đô thị với diện tích 731 m2.

Hủy Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 về việc cho phép ông Lương Công Dân và ông Vũ Đình Chinh chuyển mục đích sử dụng đất thửa đất số 396 tại thôn Bắc Vĩnh từ đất nuôi trồng thủy sản để sử dụng vào mục đích đất ở tại nông thôn với diện tích 4.818,1 m2.

Về pháp lý, Điều 59 Luật Đất đai 2013 có quy định thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau: “UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định”.

Trong những trường hợp trên, không có trường hợp nào có diện tích trên 0,5 ha, vậy UBND huyện Cam Lâm đã sai phạm ở chỗ nào?

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2021, đã xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định về đất đai cũng là thời gian đã diễn ra các cơn sốt đất "phân lô, bán nền" ở huyện Cam Lâm. Ban thường vụ Huyện ủy Cam Lâm các nhiệm kỳ liên quan đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã để UBND huyện tự đặt ra thủ tục "hiến đất" làm đường không đúng thẩm quyền của UBND cấp huyện, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa. 

Bài học “tự ý”, “không đúng thẩm quyền”, rồi “vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát” trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đô thị đã không còn là mới trong khoảng chục năm nay ở tỉnh Khánh Hòa.

Chỉ cách đây mấy năm, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã phải ra một loạt quyết định kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo cao nhất ở tỉnh Khánh Hòa vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Xin kể lại một câu chuyện ở Khánh Hòa chỉ với một dự án cụ thể đã từng “lên bờ xuống ruộng” cả một thời gian dài để thấy rằng căn bệnh “tự ý”, “không đúng thẩm quyền” ở Khánh Hòa nó phong phú và đa dạng như thế nào.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 12/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi ấy là ông Nguyễn Chiến Thắng đã ký thỏa thuận cho Mường Thanh Khánh Hòa xây tới 47 tầng và 2 tầng hầm, trên tổng diện tích đất 5.864 m2. Sở Xây dựng đã căn cứ và đó để cấp phép.

Đến ngày 17/6/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản thỏa thuận điều chỉnh cho Mường Thanh Khánh Hòa xây lên đến 48 tầng, với tổng diện tích đất được tăng lên tới 6.895 m2. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng cấp GPXD và phụ lục điều chỉnh GPXD cho Mường Thanh Khánh Hòa với diện tích đất, số tầng theo các công văn thỏa thuận nêu trên.

Nhưng khốn nỗi, theo quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ngày 25/9/2012 thì chiều cao các công trình xây dựng tối đa ở khu vực mà Mường Thanh Khánh Hòa đang xây cao ốc là không quá 40 tầng.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 05/01/2016, tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản yêu cầu Mường Thanh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án với chiều cao không quá 40 tầng. 

Mặc dù Sở Xây dựng đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở chủ đầu tư chấp hành nghiêm các văn bản của tỉnh và Chính phủ, song cao ốc vẫn được xây dựng lên đến tầng 42. 

Cuối cùng, đến ngày 09/9/2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa buộc phải đưa ra giải pháp cuối cùng là ra quyết định thu hồi GPXD công trình Mường Thanh Khánh Hòa. Rồi sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục khiếu nại rằng mình làm đúng các quy định của pháp luật.

Câu chuyện cứ giằng dai mãi cho đến cuối năm 2018, dự án cũng đã được chủ đầu tư “tự nguyện” cắt xuống còn 40 tầng, mọi thiệt hại đều do nhà đầu tư gánh chịu.

Sự việc ở huyện Cam Lâm cũng để lại hậu quả tương tự. Đến nay sau 2 năm được sở hữu quyền sử dụng đất hợp pháp (nhà đầu tư đã nộp các khoản thuế, phí vào ngân sách Nhà nước, đã được cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền), các lô đất sau khi được phân lô, tách thửa trên thực tế đã chuyển nhượng qua rất nhiều người khác nhau, từ F0 đến tận F4, F5 và hơn thế. Mặc dù UBND huyện đã cho phép nhà đầu tư được hoàn trả lại số tiền thuế và lệ phí trước bạ việc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng giá cả đã biến động và thiệt hại cho nhà đầu tư là không thể tránh khỏi.

Qua những câu chuyện “tự ý”, “không đúng thẩm quyền” ở Khánh Hòa như đã nêu trên đây, thiết nghĩ trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai lần này, các nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý để những sự việc tương tự không còn “đất diễn”, bởi lẽ chúng không chỉ khiến cho quyền lợi của nhiều người dân bị thiệt hại, nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, mà uy lực của con dấu có hình quốc huy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bình luận