Bàn giao hơn 1.500 cụm đèn tín hiệu cho Lực lượng Cảnh sát giao thông

08:38 19/03/2025
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc chưa hoàn thành bàn giao 739 cụm đèn tín hiệu trên quốc lộ cho Lực lượng Cảnh sát giao thông, do phần lớn các cụm đèn đang được địa phương quản lý, vận hành, khai thác, cần hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục bàn giao.
Bàn giao hơn 1.500 cụm đèn tín hiệu cho Lực lượng Cảnh sát giao thông
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản số 79/CĐBVN-TCGT ngày 13/3/2025 báo cáo Bộ Xây dựng kết quả tổng rà soát, giải quyết những bất cập về hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, điểm trông giữ xe và các bất cập khác trên đường bộ.

Trước đó, ngày 19/02/2025 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1364/VPCP-CN về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tổng rà soát giải quyết những bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe gây xung đột giao thông; ngày 25/02/2025 Bộ GTVT có văn bản số 1953/BGTVT-KCHT về việc rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ; Cục Đường bộ đã có văn bản số 1046/CĐBVN-TCGT yêu cầu các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đường quốc lộ theo hình thức BOT rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ, điểm trông giữ xe trên đường bộ.

Hiện trên cả nước, mạng lưới đường bộ có hơn 2 nghìn km đường cao tốc đã đưa vào khai thác, hơn 25 nghìn km đường quốc lộ và trên 500 nghìn đường địa phương gồm: đường bố đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường thôn xóm; vì vậy có rất nhiều biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.

Qua tổng kết quả báo cáo rà soát của các đơn vị thuộc Cục Đường bộ và 38 địa phương (còn 25 địa phương chưa gửi báo cáo và một số địa phương có số liệu báo cáo chưa thống nhất, số liệu chưa đầy đủ), cho thấy: Trên mạng lưới đường bộ đã rà soát có 2.716 cụm đèn tín hiệu giao thông tại 2.716 nút giao thông. Trong thời gian tới, nhất là khi các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có nhiều đô thị lớn gửi báo cáo bổ sung thì tổng số đèn tín hiệu giao thông sẽ tăng. Trong đó, đã bàn giao cho Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) 1.500 cụm; chưa bàn giao 1.216 cụm; có 586 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý xong 139 cụm, còn 447 cụm đang tiếp tục khắc phục.

Tính riêng trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng (bao gồm cả các quốc lộ thuộc đối tượng phân cấp nhưng chưa hoàn thành bàn giao cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Nghị định số 165/2024/NĐ-CP) có 1.839 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao, trong đó đã bàn giao cho CSGT 1.100 cụm; chưa bàn giao 739 cụm; có 447 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý 83 cụm, còn 364 cụm đang tiếp tục khắc phục.

Kết quả rà soát hệ thống đèn tín hiệu giao thông do 38 địa phương đã gửi báo cáo trên hệ thống đường địa phương có bố trí đèn tín hiệu giao thông tại 877 cụm/nút giao, trong đó đã bàn giao cho Lực lượng CSGT 400 cụm; chưa bàn giao 477 cụm; có 139 cụm đèn tín hiệu có bất cập về tổ chức giao thông, đến nay đã khắc phục 56 cụm, còn 83 cụm đang tiếp tục khắc phục.

Lý giải về nguyên nhân chưa hoàn thành bàn giao các cụm đèn tín hiệu cho CSGT và bất cập về kỹ thuật tại các cụm đèn tín hiệu giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc chưa hoàn thành bàn giao 739 cụm đèn tín hiệu trên quốc lộ, do phần lớn các cụm đèn này tại các nút giao đường địa phương (đường nhánh) giao cắt với quốc lộ và do UBND các cấp, Ban ATGT tỉnh, cơ quan khác của địa phương thực hiện đầu tư bằng vốn của địa phương, vốn xã hội hóa và do lực lượng chức năng của địa phương đang quản lý, vận hành, khai thác. Do đó, cần hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục bàn giao.

Đối với các đèn tín hiệu giao thông hư hỏng, bất cập, các cơ quan quản lý đường bộ tiếp tục phải hoàn thành việc sửa chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP trước khi bàn giao cho Lực lượng CSGT; một số địa phương phản ánh, việc bàn giao đèn tín hiệu giao thông hiện chờ việc phân công đối cơ quan sau khi sắp xếp lại tổ chức.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Cục Đường bộ cũng cho thấy các bất cập, tồn tại về biển báo hiệu đường bộ trên toàn bộ mạng lưới đường bộ, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do kể từ ngày 01/01/2025, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ - QCVN41:2024/BGTVT (được ban hành tại Thông tư số 51/2024/TTBGTVT) có hiệu lực thi hành, do đó phát sinh bất cập do các biển báo hiệu đường bộ trước đây lắp đặt trên đường bộ theo Quy chuẩn cũ (QCVN41:2019/BGTVT hoặc QCVN41:2016/BGTVT) không còn phù hợp, cần thay thế để phù hợp với Quy chuẩn báo hiệu đường bộ năm 2024; Một số biển báo lắp đặt tại các vị trí không hợp lý; Nhiều trường hợp biển báo đã sử dụng nhiều năm; Biển báo bị cây, chướng ngại vật che khuất…

Đối với kết quả rà soát các điểm trông giữ xe, trên các quốc lộ, đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, quốc lộ đã phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ và các Điều 4, 5 và 6 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP không cấp phép, không chấp thuận cho phép sử dụng tạm thời, lòng đường vào mục đích trông giữ xe…

Các hư hỏng, bất cập tại các cụm đèn tín hiệu giao thông như: Thời gian khai thác, sử dụng trên 05 năm, chịu tác động của thời tiết dẫn đến tín hiệu hoạt động chập chờn, không ổn định; Hệ thống cấp điện bị hư hỏng dẫn đến tín hiệu đèn yếu; Đèn tín hiệu và đèn đếm ngược bị hư hỏng; Thiếu đèn tín hiệu chỉ dẫn cho người đi bộ tại nút giao hoặc có nhưng đã hỏng không hoạt động; Vị trí đặt cột đèn tín hiệu không hợp lý, bị che khuất; Hư hỏng, bất cập khác chưa hoàn thành khắc phục…

Bình luận