Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 8288/BTC-QLCS ngày 07/8/2024 hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, Bộ Tài chính lưu ý một số nội dung liên quan đến: (1) Chế độ sử dụng đất đơn vị sự nghiệp công lập; (2) Chế độ sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; (3) Trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024; (4) Trường hợp bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; (5) UBND cấp tỉnh giao đất có nguồn gốc từ đất chuyển giao về địa phương quản lý; (6) Trường hợp được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 251 Luật Đất đai 2024, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn thực hiện bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 36, khoản 2 Điều 86 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
Trong đó bãi bỏ quy định: “Trước khi quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương hoặc của Sở Tài chính đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương về sự phù hợp của phương án giao, thu hồi với chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.” tại khoản 3 Điều 36 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
Bãi bỏ quy định: “Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật phải có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan khác có liên quan theo quy định của pháp luật.” tại khoản 2 Điều 86 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
Đáng chú ý, về xử lý chuyển tiếp áp dụng Bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai, Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013, được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh Bảng giá đất đối với trường hợp này nếu có, thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.
Được biết, Luật Đất đai 2024 cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 01/01/2026, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ công bố và áp dụng Bảng giá đất mới. Do đó, các chính sách về đất đai chưa biến động cho đến khi có Bảng giá đất được các địa phương điều chỉnh hoặc có Bảng giá đất theo quy định.
Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, các Bộ, ngành, địa phương đều phải có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý…
Triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành (1) Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (2) Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ phát triển đất. Các Nghị định này có quy định về: tính, thu, nộp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ phát triển đất; xử lý chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất, hoạt động của Quỹ phát triển đất trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành; trách nhiệm của Bộ, cơ quan trung ương có liên quan, UBND cấp tỉnh sau khi các Nghị định này có hiệu lực thi hành…