Cụ thể, trong tuần từ ngày 17 - 23/3/2025, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; (2) Đề xuất tạm dừng đề án thành lập TP Bắc Ninh trực thuộc Trung ương; (3) Đà Nẵng đề xuất phương án làm hầm qua sông Hàn gần 7.000 tỉ đồng; (4) Khu vực đường biển phía Bắc TP Nha Trang được xây dựng cao tối đa 40 tầng; (5) Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn thành 3 phân vùng, 3 đô thị; (6) TP Hà Nội phê duyệt bổ sung thêm 567 di tích mới.
Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Chiều 21/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập để đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 29 điều, cụ thể như sau:
Chương I: Quy định chung, gồm có 6 điều;
Chương II: Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, gồm có 3 mục, 11 điều;
Chương III: Các quy định bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, gồm có 7 điều;
Chương IV: Quy định về chuyển tiếp, gồm có 2 điều;
Chương V: Quy định về thi hành, gồm có 3 điều;
Trước đó, ngày 26/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật gồm 5 chương và 59 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
Đề xuất tạm dừng đề án thành lập TP Bắc Ninh trực thuộc Trung ương
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ trình về việc đề nghị tạm dừng xây dựng Đề án thành lập TP Bắc Ninh trực thuộc Trung ương.
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho biết, lý do có đề xuất trên nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Qua rà soát, tỉnh Bắc Ninh hiện đã đáp ứng được 3 trên 5 tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: quy mô dân số, diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính.
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương.
Mới đây, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Đà Nẵng đề xuất phương án làm hầm qua sông Hàn gần 7.000 tỉ đồng

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa báo cáo đề xuất phương án xây dựng công trình hầm qua sông Hàn và tuyến kết nối giao thông theo hướng Đông - Tây, qua sân bay Đà Nẵng (hầm qua sân bay).
Cụ thể, đối với công trình hầm qua sông Hàn, tổng chiều dài tuyến chính hầm khoảng 1,67 km, gồm hầm kín vượt sông dài 600 m, hầm kín trên bờ dài 380 m và 415 m hầm hở.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 6.880 tỉ đồng.
Đối với dự án hầm qua sân bay Đà Nẵng, Sở Xây dựng đề xuất tuyến hầm có chiều dài hơn 2,9 km, gồm hai đoạn hầm hở tổng chiều dài 570 m, ba đoạn hầm hộp tổng chiều dài 1.450 m và hầm qua đường băng dài 900 m.
Theo Quy hoạch chung phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hai dự án hầm qua sông Hàn và hầm qua sân bay sẽ được triển khai sau năm 2030.
Khu vực đường biển phía Bắc TP Nha Trang được xây dựng cao tối đa 40 tầng
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2.000) dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Hòa - xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang.
Khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch được định hướng phát triển du lịch - dịch vụ.
Theo đồ án, đối với đất khu du lịch - dịch vụ thuộc khu vực ven biển, mật độ xây dựng gộp tối đa 25%, cao tối đa 40 tầng; khu vực đồi núi mật độ xây dựng gộp tối đa 10%, cao tối đa 7 tầng; đất cây xanh sử dụng hạn chế, mật độ xây dựng gộp tối đa 5%, cao tối đa 1 tầng.
Khu vực quy hoạch dự kiến được chia làm 3 tiểu khu, trong đó một tiểu khu có chức năng dịch vụ du lịch ven biển với mật độ xây dựng gộp tối đa 25%; một tiểu khu có chức năng khu dịch vụ du lịch kết hợp đồi núi với mật độ xây dựng gộp tối đa 10%; tiểu khu còn lại là khu có chức năng lâm nghiệp (khu trải nghiệm gắn với hệ sinh thái núi rừng).
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn thành 3 phân vùng, 3 đô thị

UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Diện tích nghiên cứu, lập quy hoạch là 61.785ha.
Theo quy hoạch, phân vùng 1 là phân vùng phát triển phía Đông Bắc - vùng trung tâm, gồm thị trấn Nghĩa Đàn và các xã: Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thọ. Diện tích đất khoảng 15.914 ha, bằng 26,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
Phân vùng 2 - phân vùng phía Tây Bắc, gồm các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng. Diện tích đất khoảng 31.788 ha, bằng 51,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
Phân vùng 3 - phân vùng phía Nam; gồm các xã: Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức. Diện tích đất khoảng 14.083 ha, bằng 23,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
Định hướng phát triển vùng huyện Nghĩa Đàn sẽ gồm 3 đô thị: thị trấn Nghĩa Đàn (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2040), đô thị Nghĩa Sơn (đô thị loại V), đô thị Nghĩa Long (đô thị loại V).
TP Hà Nội phê duyệt bổ sung thêm 567 di tích mới
Thủ đô Hà Nội vừa phê duyệt bổ sung thêm 567 di tích mới.
Cụ thể, theo Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 17/3/2025 của UBND TP Hà Nội, Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn Thủ đô đã được phê duyệt bổ sung thêm 567 di tích mới.
Theo đó, thành phố có thêm 567 di tích được bổ sung vào danh mục 5.922 di tích đã được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 10/2016.
Danh mục di tích bổ sung bao gồm nhiều loại hình khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, quán, văn chỉ... phân bố ở nhiều quận, huyện, thị xã.
Trong đó, một số huyện có số lượng di tích bổ sung nhiều như huyện Mỹ Đức (44 di tích), huyện Sóc Sơn (39 di tích), thị xã Sơn Tây (37 di tích) và huyện Thạch Thất (33 di tích).