Bảo đảm phù hợp khi quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP

22:57 26/05/2025
Ý kiến nhiều ĐBQH cho thấy rõ ưu - nhược điểm của 2 phương án phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP do Chính phủ đề xuất, đặt ra vấn đề cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định tỷ lệ phân chia phù hợp, đảm bảo ổn định lâu dài.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các khoản thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP quy định tại khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật.

2 phương án phân chia các khoản thu

Theo đề xuất trong dự thảo Luật tại khoản 2 Điều 35, các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa NSTW và NSĐP, có 2 phương án: Phương án 1, phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân: NSTW 70% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM (nhóm địa phương 1), 25% số thu trên địa bàn TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai (nhóm địa phương 2), 20% đối với các địa phương còn lại.

Thuế tiêu thụ đặc biệt: NSTW 80% số thu trên địa bàn nhóm địa phương 1, 60% số thu trên địa bàn nhóm địa phương 2, 50% đối với các địa phương còn lại.

Thuế bảo vệ môi trường: NSTW 80%, NSĐP 20%. Thuế GTGT: NSTW 70%, NSĐP 30%. Việc phân chia trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các địa phương không nhận bổ sung cân đối: NSTW 30%, NSĐP 70%; các địa phương nhận bổ sung cân đối: NSTW 20%, NSĐP hưởng 80%. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước: NSTW 70%, NSĐP 30%...

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), sáng 26/5.

Phương án 2, Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể phân chia từng khoản thu giữa NSTW và NSĐP đối với: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, tỷ lệ được ổn định lâu dài để chủ động NSĐP, trình Quốc hội quyết định.

Riêng đối với thuế GTGT: NSTW 70%, NSĐP 30%. Việc phân chia trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; Tiền sử dụng đất: Các địa phương không nhận bổ sung cân đối, NSTW 30%, NSĐP 70%; các địa phương nhận bổ sung cân đối: NSTW 20%, NSĐP 80%...

Chọn phương án 1 vì tránh được việc phân chia cào bằng

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá, việc phân chia tỷ lệ phần trăm nguồn thu các loại thuế giữa địa phương và trung ương theo đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương như phương án 1 là phù hợp, đặc biệt đối với các thành phố trực thuộc trung ương có các mức phân theo tỷ lệ phần trăm về trung ương theo số thu xếp thứ tự thấp dần là hợp lý, tránh việc phân chia cào bằng như phương án 2, làm giảm động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói trên.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng đồng tình với việc phân chia theo phương án 1 nhằm bảo đảm ổn định và chủ động cho NSĐP thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công và NSNN trong trung hạn; đồng thời làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM ủng hộ phương án 1 bởi sẽ giúp địa phương chủ động cân đối và tính toán kế hoạch đầu tư NSĐP vì đầu tư phải mang tính dài hạn và ổn định.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cân nhắc quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với địa phương không nhận bổ sung cân đối ngân sách: NSTW hưởng 30%, địa phương hưởng 70%, trong khi theo Luật Ngân sách hiện hành thì địa phương hưởng 100%.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong tình hình hiện nay, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2 con số, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương khi hợp nhất, sáp nhập nhằm mở rộng không gian phát triển và kết nối các khu vực, thì nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng tại các địa phương này rất lớn, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM.

Theo kế hoạch đầu tư dự trù cho năm 2026-2030, TP.HCM cần nguồn lực đầu tư công khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, trong số này, nguồn thu từ đất khoảng 550 nghìn tỷ đồng. Nếu NSTW điều tiết 30% thì địa phương sẽ hụt thu 165.000 tỷ đồng trong 5 năm, tính ra mỗi năm hụt thu là 33.000 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư công của Thành phố giai đoạn 2026-2030. Trong khi đó, TP.HCM rất cần nguồn lực để triển khai Đề án đường sắt đô thị, nguồn lực để kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mở rộng QL 1, QL 22, QL 13 và thực hiện xây dựng các cầu quan trọng như: Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Tiên, Nguyễn Khoái…

Trong khi đó, nguồn thu từ đất chiếm vị trí rất quan trọng, tôi nhắc lại con số là lên tới 550.000 tỷ đồng, trong kế hoạch đầu tư công là 1,1 triệu tỷ đồng.

Cho nên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị trung ương xem xét, trước mắt có thể là trong 10 năm chưa thu khoản này, còn nếu thu thì chỉ nên thu ở mức từ 5 - 10% là tối đa.

Chọn phương án 2 vì tạo được chủ động trong điều hành ngân sách

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chọn phương án 2 vì các nguồn thu ở các địa phương có thể thường xuyên thay đổi do biến động tình hình trong nước và thế giới. Để tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách, kịp thời thực hiện các nhiệm vụ được giao thì nên giao cho Chính phủ xây dựng phương án trình Quốc hội là phù hợp.

Nếu quy định cụ thể từng tỷ lệ đối với từng địa phương như phương án 1, khi có thay đổi dù rất nhỏ cũng phải sửa Luật, quy trình sẽ lâu, không phản ứng kịp thời với những diễn biến thực tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng cơ bản đồng tình với phương án 2 để bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong điều hành NSNN.

Tuy nhiên, riêng đối với quy định về khoản thu tiền sử dụng đất, đại biểu ủng hộ chủ trương cần điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của NSTW, nhưng về lâu dài, cần giảm dần tỷ trọng nguồn thu tiền từ sử dụng đất trong tổng thu NSĐP, thay vào đó yêu cầu các địa phương có giải pháp quy hoạch và quản lý đất đai một cách bền vững, minh bạch.

Nhà nước thực hiện đa dạng hóa nguồn thu ngân sách trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh thu ngân sách từ khu vực kinh tế số, kinh tế công nghệ cao.

Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí với phương án 2. Tuy nhiên, về quy định liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách, phân chia theo tỷ lệ: NSTW 20%, NSĐP hưởng 80%, đại biểu cho rằng: đối với địa phương nhận bổ sung cân đối NSNN là khoản thu điều tiết rất lớn và cần có để các địa phương thực hiện các nhiệm vụ đầu tư cho phát triển hạ tầng, kinh tế và an sinh xã hội…

Do đó, để tạo điều kiện cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh theo hướng địa phương hưởng 100% nguồn thu này. Trường hợp phải điều tiết các tỉnh nhận trợ cấp NSTW thì chỉ thực hiện điều tiết phần vượt thu dự toán của khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, NSTW hưởng 20%, NSĐP hưởng 80%.

Mặc dù chọn phương án 2 nhưng đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị vẫn giữ quy định đối với tỷ lệ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, NSĐP được hưởng 100% để dùng nguồn này cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích chính quyền địa phương huy động và dành nguồn lực để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án hạ tầng có tính chất liên kết vùng do trung ương giao. Vì đối với các dự án trọng điểm, thời gian qua Trung ương cho chủ trương nhưng các địa phương phải chủ động nguồn để tự cân đối. Do đó, nếu không để lại nguồn này thì các địa phương sẽ rất khó khăn.

Cân nhắc tính toán nếu thực hiện ngay tỷ lệ điều tiết

Lo ngại việc thực hiện ngay tỷ lệ điều tiết các khoản thu có thể ảnh hưởng đến các địa phương đang tự cân đối được ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần phải cân nhắc tính toán để làm thế nào các địa phương vẫn phải tự cân đối được ngân sách mà không phải phụ thuộc vào NSTW.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, nếu địa phương đang thực hiện tự cân đối ngân sách và đóng góp vào NSTW, theo như cách tính và tỷ lệ ở tại phương án 1 tại khoản 2 của Điều 35 dự thảo Luật, thì một số khoản thu sẽ bị giảm rất sâu, ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt giảm đến 71 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 427 tỷ đồng, thuế GTGT giảm hơn 2 nghìn tỷ đồng, thuế đất thực hiện đối với địa phương không nhận bổ sung cân đối từ Trung ương sẽ giảm khoảng 2.000.

Như vậy, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, theo dự toán trong năm 2025 và theo phương án này, tính cả tổng thu ngân sách và dự toán chi NSĐP, sẽ mất cân đối khoảng 4.300 tỷ đồng.

Vì vậy, để bảo đảm các nguồn thu cho các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: Thứ nhất, đối với thuế bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ NSĐP được hưởng theo hướng: NSTW 50% và NSĐP 50%.

Thứ hai, đối với thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu sửa đổi quy định cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí phân chia khoản thu thuế giá trị gia tăng ngay trong Luật để đảm bảo hài hòa, không gây biến động lớn đến khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Việc quy định rõ ràng, minh bạch giúp cho các địa phương chủ động trong việc cân đối nguồn thu, xác định nhiệm vụ chi, đồng thời đảm bảo tính ổn định trong điều hành ngân sách hằng năm và trung hạn, đặc biệt là đối với các địa phương có số thu thuế GTGT lớn và việc xác định sớm tỷ lệ phân chia cũng sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp, phát huy hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, điều chỉnh vào cuối thời kỳ ổn định ngân sách khi có biến động lớn.

Thứ ba, đối với thu tiền sử dụng đất, thực tế quy mô thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trên địa bàn phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện của các địa phương và quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và đất đai, khả năng thu hút đầu tư từng địa phương. Đồng thời, để duy trì lợi thế cạnh tranh của các địa phương và không chỉ so với các địa phương khác trong cả nước mà còn so với các điểm đến về du lịch, thương mại, đầu tư trong khu vực, trên thế giới thường quy định nguồn thu này phải được sử dụng để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả địa phương và của vùng kinh tế.

Với quan điểm, cả 2 phương án đề xuất trong dự thảo Luật đều cần phải xem xét lại, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cả 2 phương án đều quy định chi tiết tỷ lệ phần trăm việc điều tiết giữa ngân sách ở một số khoản thu sẽ khó khăn đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị chỉ quy định trong Luật những khoản thu thuộc diện phải phân chia tỷ lệ phần trăm giữa NSTW và NSĐP và quy định nguyên tắc tiêu chí phân chia; còn tỷ lệ cụ thể nên giao Chính phủ quy định căn cứ vào điều kiện ngân sách từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.

Bình luận