Bảo đảm tính khả thi, mức độ đột phá của chính sách thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt

21:00 27/05/2025
Theo Ủy ban KH, CN&MT, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cần bảo đảm tính khả thi, mức độ đột phá trong thực hiện các chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng đường sắt.
Bảo đảm tính khả thi, mức độ đột phá của chính sách thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Chiều 27/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, trên cơ sở 05 chính sách đã được thông qua, Chính phủ đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung vào 05 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt như: Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; Về hoạt động vận tải đường sắt; Về kết nối các phương thức vận tải; Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt. Đồng thời, đã rà soát, chỉnh lý toàn bộ dự thảo Luật.

Trong đó, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).

Đồng thời, bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.

Việc bổ sung các quy định này tạo cơ sở pháp lý cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, ví dụ như việc đầu tư xây dựng cầu chung giữa đường sắt và đường bộ (cầu Lạch Huyện, cầu Cần Thơ 2...).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.

Để rút ngắn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về: được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi; UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư.

Việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương, góp phần hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035.

Bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (TOD) để thể chế hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…

Bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các chính sách thu hút đầu tư

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt, Ủy ban KH, CN&MT đề nghị làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách trong dự thảo Luật hoặc các Luật khác có liên quan theo hướng: bảo đảm tính khả thi, mức độ đột phá và công bằng trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt;

Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương trong quy hoạch tích hợp mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) với phát triển đô thị.

Phát triển tổng thể nguồn nhân lực theo hướng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ cho những khâu then chốt của ngành đường sắt. Có chiến lược đào tạo dài hạn và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt trong tương lai.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy.

Ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ đường sắt theo hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình vận hành và bảo trì đường sắt.

Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ ngành công nghiệp đường sắt đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước…

Về đầu tư xây dựng công trình đường sắt, cần làm rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của quy định, nhất là khi triển khai các dự án lớn, đặc biệt là những dự án đường sắt liên vùng hoặc sử dụng các công nghệ mới.

Phân định rõ phần việc của Nhà nước (quản lý, giám sát, đầu tư nâng cấp lớn) và phần việc của doanh nghiệp (khai thác, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên) phải được luật hóa, làm cơ sở cho các hợp đồng nhượng quyền, cho thuê hạ tầng trong tương lai.

Làm rõ các nguyên tắc khuyến khích nội địa hóa và phát triển công nghiệp trong nước, thúc đẩy sự liên kết giữa công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ; đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất, vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh…

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, không nên quy định “cứng” chỉ có nhà nước đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt…

Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp đường sắt, đề nghị làm rõ việc phát triển các công nghệ số như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật trong lĩnh vực đường sắt để tối ưu hóa các quy trình vận hành, bảo trì và điều khiển giao thông đường sắt.

Quy định rõ về việc chuyển giao toàn bộ hay một phần công nghệ mang tính bắt buộc đối với đối tác nước ngoài khi mua hàng và cơ chế xử lý nếu nhà thầu không tuân thủ...

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được sắp xếp, bố cục lại gồm 07 Chương, 67 Điều; giảm 03 Chương, 20 Điều so với Luật Đường sắt 2017. Dự thảo Luật hiện nay chỉ kế thừa 06 thủ tục hành chính so với 20 thủ tục hành chính của Luật Đường sắt 2017, cắt giảm 04 thủ tục hành chính và sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính. Dự thảo Luật đồng thời cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đường sắt 2017.

Bình luận