Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị Việt Nam

16:44 28/05/2024
Góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xem xét kỹ mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô Hà Nội để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam…

Tạo cơ sở áp dụng đồng bộ chính quyền đô thị

Chiều 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp, gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn như: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ thủ đô; tài chính, ngân sách; huy động nguồn lực để phát triển thủ đô...

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn.

Trong đó, riêng đối với vấn đề về tổ chức chính quyền đô thị, trong phần trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã thuộc TP Hà Nội…

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã khác biệt các quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 97 năm 2019, Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn.

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, việc không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội, sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Tuy nhiên, mô hình này thì hiện cũng đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và TP.HCM.

Tại Kỳ họp 6, diễn ra ngày 24 và ngày 31/10/2023, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Nẵng. Thế nhưng, quan điểm của Chính phủ về sự phát triển, ưu điểm của các mô hình chưa thực sự rõ ràng.

Đồng thời, cũng chưa cho thấy là sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị; các cơ chế, chính sách được áp dụng.

Do đó, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị.

Đề nghị giao Hà Nội quyết định biên chế cán bộ

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, chủ trương của Đảng và các văn kiện Đại hội 11 đến nay đều xác định chính quyền địa phương phải tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo.

Thực tế cho thấy, đến nay TP.HCM và TP Đà Nẵng đều đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp chính quyền và rất hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đô thị. Còn Hà Nội đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở phường.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, nếu như dự thảo Luật được thông qua, tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội là 2 cấp chính quyền, còn chính quyền đô thị ở TP.HCM và TP Đà Nẵng là một cấp chính quyền, nghĩa là không tổ chức HĐND quận và phường.

Do đó, đề nghị cần xem xét kỹ lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô như trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị cần phân cấp để UBND quận, phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. 

Về biên chế tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. Do đó, đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.  

Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị chú ý tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô, thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp cho Thủ đô việc này…

Bình luận