1. Đặt vấn đề
Dân tộc Sán Chay sinh sống ở các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Vĩnh Phú và Yên Bái. Người Sán Chay có tiếng nói gần giống tiếng Tày, Nùng [3]. Người Sán Chay xưa sống chủ yếu bằng nương rẫy, trong các làng riêng biệt, ít cư trú xen ghép với các dân tộc khác.
Gia đình người Sán Chay là gia đình nhỏ phụ hệ, mgười Sán Chay cũng có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng mỗi họ lại có con “ma” riêng và có những kiêng cữ nhất định [2].
Những giá trị văn hóa truyền thống riêng đã gắn liền với quá trình xây dựng không gian kiến trúc Nhà ở truyền thống (NOTT) của người Sán Chay. Trong quá trình hiện đại hóa nông thôn, nhiều giá trị văn hóa trong TCKG kiến trúc có sự mai một, biến đổi tiêu cực.
Chính vì vậy việc nhận diện giá trị truyền thống thống này trong TCKG kiến trúc NOTT, từ đó đưa ra các Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong tổ chức không gian kiến trúc nhà ở dân tộc Sán Chay vùng miền núi phía Bắc (MNPB) nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng phát triển kiến trúc nhà ở (NO).
2. Thực trạng tổ chức không gian kiến trúc NOTT người Sán Chay
2.1. Quần thể bản làng
a. Quần thể bản làng truyền thống
Là một dân tộc sớm tiếp thu nền văn minh cây lúa nước, đồng bào thường chọn những nơi có địa thế thấp, có thung lũng bằng để khai khẩn đất hoang thành ruộng bậc thang gieo trồng cây lúa.
Bên cạnh cánh đồng là đồi núi thấp để phát nương làm rẫy trồng ngô, lúa cạn, rau quả, bông dệt vải... kết hợp với săn bắt thú rừng, hái rau lượm quả. Hiện nay vẫn còn những bản làng Sán Chay vừa có những cánh đồng nhỏ vừa có nương rẫy trên đồi. [4]
b. Quần thể bản làng hiện nay
Hiện nay, bản làng đã có những biến đổi do quá trình tác động của hoạt động kinh tế, văn hóa đô thị. Trong bản làng đã xuất hiện các công trình kiên cố như nhà trẻ, nhà văn hóa, chợ.
Đường giao thông được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới. Mật độ xây dựng tăng song song với diện tích không gian tự nhiên, cây xanh bị thu hẹp. (Hình 1. Bản làng người Sán Chay hiện nay [8])
2.2. Khuôn viên ngôi nhà
a. Khuôn viên NOTT
Trước đây khuôn viên của mỗi hộ được bảo vệ khá cẩn thận, nhất là ở những nơi gần rừng có nhiều thú dữ, xung quanh khuôn viên được rào dậu rất chắc chắn.
Tre nứa để nguyên cây dài chừng 3 - 4m, chân chôn xuống đất, đầu vạt nhọn chĩa lên trời như ngọn giáo, đến nay, những hàng rào như thế đã trở nên hiếm hoi vì thú dữ không còn.
Hàng rào xung quanh khuôn viên thì tùy thuộc vào tình hình an ninh của từng nơi. Những nơi gần rừng núi hoặc an ninh xã hội không được đảm bảo thì rào xung quanh khuôn viên được làm chắc chắn hơn.
Trái lại ở những nơi xa rừng, không có thú dữ và ít trộm cắp thì cái vòng bảo vệ này rất sơ sài, chỉ còn là ranh giới để khẳng định phạm vi đất đai của các từng hộ.
Khuôn viên ngôi NOTT thì trong khuôn viên chỉ có một nhà chính là nhà sàn, nếu có thêm là một miếu thổ thần đặt ở một góc vườn. Bên cạnh NO là một mảnh vườn nhỏ được rào cẩn thận để tránh gia súc phá hoại cây trồng ở trong vườn.
Trong vườn có một ít rau xanh, ngoài vườn còn có giàn trầu không, xung quanh NO còn có nhiều cây ăn trái, đặc biệt là rất nhiều cau.
b. Khuôn viên NO hiện nay
Hiện nay, đã có sự thay đổi trong khuôn viên ngôi NOTT, bếp được tách khỏi NO chính và hình thành ngôi nhà phụ khác với chức năng là nhà bếp được làm bên cạnh nhà chính, trâu bò không nhốt dưới gầm sàn nhà chính và nhà bếp, nhiều nhà xây dựng thêm một phụ nhà nữa để nhốt trâu bò.
2.3. Không gian kiến trúc NOTT
a. Kiến trúc NOTT
Người Sán Chay ở nhà sàn bốn mái có sàn trong nhà và sàn phơi, nhà ba hoặc năm gian, được phân định chức năng sinh hoạt của từng gian. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, hai gian cạnh là nơi nghỉ ngủ phân biệt giữa các thành viên nam nữ trong gia đình.
Gian chái đầu nhà là nơi đặt bàn thờ hương hỏa (thần Bảo gia trong dòng họ). Gian chái cuối nhà là nơi bếp núc, buồng con dâu hoặc con gái. Cầu thang được bắc lên ở gian này.
Cấu trúc nhà thường thêm một ngôi nhà phụ bố trí theo kiểu thước thợ gắn liền với nhà chính. Dưới sàn là nơi nhốt súc vật trâu, bò, lợn, gà, trên là nơi để lương thực và những đồ vật khác. Quanh nhà thường có mảnh vườn nhỏ trồng rau, nơi thuận lợi có ao cá và trồng các loại cây ăn quả.
Trong quan niệm của người Sán Chay, ngôi nhà là nơi chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, NOTT của người Sán Chay có bốn dạng chính:
1- Nhà sàn cổ truyền: Giống như nhà sàn của người Tày, Nùng, nhà sàn cổ truyền của người Sán Chay có cấu trúc khá phức tạp, nhưng đều làm từ tre và gỗ kiếm trong rừng.
Mặt sàn nhà có dạng hình chữ nhật hoặc gần hình vuông, được cấu trúc 3 hoặc 5 gian, có từ 1 đến 2 cầu thang lên xuống sàn, cột được kê trên hòn đá tảng hay chôn xuống đất. Người Sán Chay không kiêng dựng nhà với số gian chẵn nhưng những nhà có số gian chẵn thì gian cuối được dùng vào việc cất giữ đồ đạc.
Nhà sàn người Sán Chay có 02 loại: Nhà trâu đực và nhà trâu cái, tiêu chí phân loại hai kiểu nhà này chủ yếu dựa vào hình thức kết cấu vì kèo.
- Nhà trâu cái người Sán Chay: Vì kèo có bốn cột, các cột được liên kết với nhau bằng bộ kèo và dâm sàn không có xà ngang và câu đầu. Các vì kèo được liên kết với nhau nhờ các dầm dọc nhà.
- Nhà trâu đực người Sán Chay là nhà phụ, vì kèo thường chỉ có ba cột: Cột cái chống vào chỏm kèo và hai bên là hai cột con, các cột trong vì kèo chỉ được liên kết với nhau bằng đôi kèo và dầm sàn. Tuy nhiên để mở rộng nhà người ta còn thêm một hoặc hai cột phụ nữa để trở thành vì kèo 4 cột hoặc 5 cột.
2- NO nửa sàn - nửa đất: Dạng này khá hiếm, bộ khung nhà với kiểu vì kèo ba cột, nhà ba gian hai chái, phần sàn ở bên phải chỉ có một gian một chái.
3- NO chính là nhà đất - nhà phụ là nhà sàn: Nhà chính có 3 gian và một chái rộng, bộ khung với kiểu vì kèo giống nhà người Việt: vì kèo năm cột - kèo suốt - giá chiêng. Ba gian chính để thông nhau, gian đầu hồi bên phải, phía trước có bộ bàn ghế tiếp khách.
4- NO đất: Với dạng chính là nhà sàn, nhà phụ là nhà đất hoặc ngược lại là phổ biến với người Sán Chay. Nhà đất dần chiếm ưu thế, nhà trình tường, vì kèo tam giác, quá gang gác trên đầu tường, mái lợp ngói âm dương. Nhà chính ba gian, trước có hiên, tường trình dày, vì kèo tam giác, quá giang gác lên đầu tường, chỉ có một hàng cột phụ ngoài hiên.
Trong nhà chính, ba gian để thông nhau, chỉ có một màn gió ngăn giữa gian hồi và gian giữa. Nhà phụ cũng ba gian nhưng gian hồi hẹp hơn, trong nhà phụ, ba gian thường được ngăn thành phòng riêng biệt.
b. Kiến trúc NO hiện nay
- Nhà sàn: Hiện nay, các kiến trúc công trình NOTT vẫn giữ được hình dáng ngôi nhà, tuy nhiên một số ngôi nhà đã có sự biến đổi về hình thức, kết cấu và sử dụng vật liệu. Kiên trúc công trình có xu hướng mở rộng để phù hợp với các hoạt động sinh hoạt và sản xuất hiện đại.
Quy mô chức năng mở rộng hơn. Các phòng chức năng có xu hướng khép kín hơn. Nhiều công trình đã sử dụng các vật liệu mới như tôn, thép, kính, gạch đá để cải tạo công trình.
Các vách gỗ thay thế tấm vách lá, mái ngói, kết hợp với tôn, tấm fibro thay thế cho mái lá truyền thống. Sân, bậc lên nhà được xây dựng kiên cố bằng gạch hiện đại. Phần gầm sàn được nâng cao bằng các trụ đá hoặc bê tông.
- Nhà đất: Ngôi nhà của gia đình bà Nình Móc Mầu còn lưu giữ được những nét nguyên bản nhất của nhà đất truyền thống của người Sán Chay như ngói, tường đất [7]. Khác với nhà sàn, chủ nhà đã mở rộng bằng cách xây dựng bổ sung về hai đầu hồi. Mái lá truyền thống được thay bằng ngói âm dương. Phần mái được kéo dài phía trước đầu hồi để che chắn cho các thiết bị sản xuất hiện đại như máy tuốt lúa, máy cày.
2.4. Đánh giá chung
Có thể khẳng định không gian kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay rất độc đáo và là tiềm năng du lịch hấp dẫn. NOTT dân tộc người Sán Chay không lớn, kiên cố như dân tộc khác vùng núi phía Bắc nhưng lại chứa đựng những triết lý sâu sắc, bố cục dựa trên hình ảnh “trâu thiêng”.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng như biến đổi văn hóa cư trú, không gian này bị cải tạo chỉnh trang bằng những vật liệu hiện đại đang làm mất đi những giá trị độc đáo vốn có. Chính vì vậy, cần phải nhận diện được các giá trị văn hóa đặc trưng trong việc tổ chức không gian NOTT dân tộc Sán Chay, từ đó có những định hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị là vô cùng ý nghĩa.
3. Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay hiện nay
3.1. Sử dụng công nghệ, vật liệu xây dựng và tiện nghi mới
Sử dụng công nghệ xây dựng mới làm theo đổi phương pháp tổ chức không gian NONT: Đã có nhiều công nghệ vật liệu xây dựng hiện đại được áp dụng trong việc xây dựng NONT dân tộc vùng MNPB. Công nghệ xây dựng BTCT được sử dụng rộng rãi và phổ biến.
Các công nghệ mới như sử dụng tấm 3D, bê tông nhẹ, gạch nhẹ,.. cũng từng bước được đưa vào khu vực nông thôn vùng MNPB. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tạo nâng cấp NOTT dân tộc Sán Chay tại vùng MNPB.
Sử dụng vật liệu xây dựng mới làm hình thức kiến trúc NO lộn xộn thiếu bản sắc: Xuất hiện nhiều hình thức kiểu kiến trúc mới, không thuần nhất, thiếu đặc trưng lai ghép trong cùng một công trình.
Điển hình là kiểu kiến trúc nhại kiến trúc đô thị với kết cấu BTCT, mái tôn, cửa nhôm kính, khung thép tiền chế… sử dụng bừa bãi, không có thiết kế. Việc sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại như vậy tạo thành hình thức kiến trúc nông thôn vùng MNPB rất lộn xộn, tương phản với hình thức kiến trúc NONT truyền thống vùng MNPB.
Sử dụng các tiện nghi mới: Đáp ứng cuộc sống hiện đại trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc sống đô thị. Nhiều tiện nghi trong gia đình đã được bổ sung, cải tạo mới. Ví dụ như Tivi và cáp truyền hình, điều hòa, máy giặt, bếp ga ... đã làm thay đổi cơ bản thói quen sinh hoạt nông thôn truyền thống dân tộc vùng MNPB.
3.2. Tác động của văn hóa đô thị
Tác động văn hóa đô thị làm cộng đồng cư trú bị thay đổi, xáo trộn văn hóa truyền thống, mối quan hệ giữa các hộ trong bản, tập tục sinh hoạt vốn được thiết lập và kế thừa qua nhiều thế hệ.
Các giá trị văn hóa như lễ hội, cách ăn mặc, tiếng bản địa bị suy giảm. Chính những yếu tố này là giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ để tạo những đặc trưng riêng trong TCKG kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay vùng MNPB.
Tác động văn hóa đô thị làm thay đổi nếp sinh hoạt và các điều kiện sống: tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nước sạch (bao gồm nước máy, nước sạch nông thôn, nước giếng/khoan đào được bảo vệ), sử dụng điện lưới để thắp sáng, dùng điện/ga để nấu ăn.
3.3. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ du lịch
Cơ cấu kinh tế làng bản dân tộc Sán Chay có sự biến đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp. Hoạt động kinh tế dịch vụ gắn với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và văn hóa.
Trong thực tiễn, các làng bản dân tộc Sán Chay đã xuất hiện các không gian phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Các không gian dịch vụ ngày càng mở rộng trong không gian khuôn viên và NOTT.
Trong khu vực ven khu du lịch, trong làng du lịch, nhiều hộ đã cho chuyển toàn bộ hoặc một phần không gian NO để phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch.
4. Nhận diện giá trị văn hóa trong tổ chức không gian NOTT dân tộc Sán Chay
- Giá trị văn hóa trong tổ chức không gian làng bản: Sự gắn kết công trình với địa hình tự nhiên, mối quan hệ cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Sán Chay.
- Giá trị văn hóa trong tổ chức khuôn viên: Bố cục khuôn viên, mối quan hệ nhà chính và nhà phụ, không gian vườn, hàng rào. Đối với người Sán Chay, giống như dân tộc khác, phần hàng rào để bảo vệ gia đình khỏi thú dữ, nên rào cao và dày. Các công trình quây quần với nhau thể hiện mối quan hệ khăng khít.
- Giá trị văn hóa trong xây dựng NO: Tổ chức không gian chức năng mặt bằng, sử dụng kết cấu, vật liệu truyền thống và bố trí đồ đạc trong nhà chính của người Sán Chay theo hình con trâu hay “trâu thiêng”.
Việc lưu giữ hai kiểu nhà trâu đực và trâu cái có thể coi là kiểu NO dân tộc cổ nhất, tính chuẩn mực và ổn định của nó như là một đặc trưng riêng của dân tộc này. Đây là giá trị độc đáo cần nghiên cứu và bảo tồn và phát huy giá trị.
+ Tổ chức mặt bằng độc đáo: Sà thấp nên không dùng cầu thang mà chỉ dùng một mẩu gỗ để làm bậc lên xuống. Trước khi vào nhà phải qua 1 sàn thấp, vào cửa chính nhìn thấy ngay một khu vực thuộc về phần nhà sau dành cho công việc bếp núc, gần bếp có một thúng cám để cắm hương thờ thần gia trạch.
Đây là một đặc trưng chỉ thấy ở NOTT người Sán Chay. Việc bố trí chức năng ẩn dụ chính các bộ phân của con trâu: Bốn cột cái khung nhà là 4 chân trâu; bếp là trái tim và thúng cám là dạ dày của trâu; cái nóc là xương sống và các lá xương sườn của trâu; hai mái đầu hồi là đầu và đuôi của trâu. Đây cũng là giá trị tổ chức mặt bằng chức năng độc đáo của riêng dân tộc này.
+ Kết cấu, vật liệu: Mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, vách nứa được đan sơ sài từ mái đến mặt nền. Do vậy từ xa rất khó phân biệt được nhà sàn hay nhà đất, hệ kết cấu không phô trương mà rất hợp lý, giàu tính sáng tạo.
5. Định hướng bảo tồn và phát triển kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay
5.1. Nguyên tắc
Bảo tồn và phát triển kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay dựa trên 3 yếu tố quan trọng: Sinh thái - Văn hóa - Cộng đồng.
- Bảo vệ sinh thái tự nhiên: Đây là nguyên tắc bắt buộc, việc bảo tồn và phát triển kiến trúc NOTT để bảo vệ không gian sinh thái tự nhiên đặc trưng vùng miền, đặc biệt là yếu tố địa hình, bầu không khí đặc trưng, ruộng nương, rừng núi MNPB.
- Phát huy giá trị văn hóa: Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Sán Chay, đặc biệt là giá trị văn hóa gắn với hoạt động cư trú, tổ chức không gian kiến trúc NOTT độc đáo (mặt bằng bố trí chức năng), hệ thống kết cấu vì kèo và sử dụng vật liệu địa phương.
- Tăng cường sự tham gia cộng đồng: Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng trong việc bảo vệ, quản lý và tổ chức các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.
5.2. Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong TCKG kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay vùng MNPB
a. Định hướng bảo tồn giá trị truyền thống trong TCKG kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay
- Kiểm kê, phân loại hệ thống NOTT dân tộc Sán Chay tại vùng MNPB, việc này cần làm ngay và chính quyền địa phương phân bố nguồn lực để thực hiện.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá về giá trị NOTT dân tộc Sán Chay tại vùng MNPB theo các mức cao, trung bình và thấp. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được nghiên cứu trên cơ sở các ý kiến của chuyên gia về di sản, chuyên gia quy hoạch và kiến trúc, tiêu chí đánh giá cần được xây dựng dựa trên tổng hợp, phân tích của các chuyên gia liên ngành, trên cơ sở thực trạng quỹ NOTT hiện có.
- Xây dựng nguyên tắc bảo quản, tôn tạo và phục hồi công trình NOTT có giá trị cao theo phân loại. Lựa chọn bảo tồn nguyên trạng một số công trình còn giữ được giá trị gốc của NOTT dân tộc Sán Chay phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, tôn tạo và chuyển đổi một số công trình có giá trị trung bình và cao để phát triển mô hình du lịch homesaty.
b. Định hướng phát huy giá trị truyền thống trong TCKG kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay theo mô hình du lịch cộng đồng
- Phát triển du lịch tham quan không gian kiến trúc NOTT độc đáo: Biến NOTT thành nhà trưng bày triển lãm giá trị văn hóa truyền thống. Lựa chọn các NOTT có giá trị cao, đã được trùng tu bảo tồn, để tổ chức không gian NOTT thành không gian phát triển các hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống dân tộc Sán Chay.
Các vật dụng trang trí, bài trí nội thất được tái hiện theo nguyên bản của NOTT. Bố trí bổ sung các khu vực trưng bày trang phục, đồ dùng, vật dụng sản xuất truyền thống của người Sán Chay.
- Phát triển du lịch lưu trú, dạng homestay: Lựa chọn các NOTT có giá trị trung bình, cải tạo bổ sung các không gian lưu trú, không gian vệ sinh phục vụ khác du lịch.
Đây là hoạt động đã được cộng đồng dân tộc Sán Chay thực hiện nhưng chưa được bài bản. Bài báo đề xuất các giải pháp cải tạo chỉnh trang kiến trúc NO từ không gian làng bản, khuôn viên và NO như sau:
+ Không gian làng bản: Cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà hàng dịch vụ, không gian tổ chức lệ hội văn hóa và tín ngưỡng, hệ thống cây xanh. Sử dụng vật liệu địa phương như đá, gạch, đất nung để cải tạo đường giao thông.
Bổ sung các bãi đỗ xe ô tô, xe máy đầu bản nhưng không ảnh hưởng đến cảnh quan tổng thể. Bổ sung các nhà hàng lớn để phục vụ cho những đoàn khác tham quan lớn, tổ chức không gian mở trung tâm bản làng hoặc gắn với đình làng để tổ chức lễ hội hoặc văn hóa tín ngưỡng.
Trồng bổ sung cây xanh, đặc biệt là cây hoa bản địa như hoa ban, hoa đào, hoa mơ, hoa gạo… tạo cảnh quan hấp dẫn khách du lịch. Sử dụng các dạng đèn chiếu sáng gắn với cây, tường nhà và âm sàn không ảnh hưởng đến cảnh quan bản làng truyền thống.
+ Khuôn viên: Cải tạo hàng rào, vườn, chuồng trại xung quanh NO cho hợp vệ sinh và tạo cảnh quan du lịch. Thay đổi tập tục chăn thả tự do gia súc, gia cầm trong vườn sang nuôi nhốt và hình thành các chuồng trại tập trung.
Chỉ chăn thả tự do vào thời điểm nhất định để khách du lịch trải nghiệm. Phân gia súc gia cầm được thu gom triệt để, bố trí khu vực xử lý tập trung xa khu vực ở, cuối hướng gió, đảm bảo vệ sinh.
+ NO: Cải tạo, chuyển đổi một số chức năng phụ vụ dịch vụ lưu trú:
Nhà sàn cổ truyền: Việc cải tạo đối với dạng này khó vì kết cấu gỗ. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng vách di động để phân tách không gian tạo thành không gian lưu trú linh hoạt. Vẫn duy trì các chức năng như bếp, thờ trong nhà chính.
Nhà nửa sàn - nửa đất: Riêng đối với dạng công trình này có thể cải tạo phần kiến trúc đất, bổ sung cửa sổ, thiết bị điều hòa để hình thành phòng lưu trú tiện nghi cho khách du lịch, vẫn duy trì các chức năng như bếp, thờ trong nhà chính. Bổ sung phòng vệ sinh bên trong hoặc bên ngoài công trình phục vụ hoạt động du lịch.
Nhà chính là nhà đất - nhà phụ là nhà sàn (hoặc ngược lại): Có thể chuyển đổi nhà đất thành không gian lưu trú riêng, nhà sàn được tổ chức thành không gian ăn uống hoặc giải khát. Bổ sung phòng vệ sinh bên ngoài công trình phục vụ hoạt động du lịch.
Nhà đất: Công trình này có thể chuyển toàn bộ chức năng cho hoạt động lưu trú. Hoặc sử dụng vật liệu đất và phương pháp xây dựng để thiết lập NO mới hiện đại, tiện nghi phục vụ khách du lịch. Bổ sung phòng vệ sinh bên trong công trình phục vụ hoạt động du lịch.
6. Kết luận và kiến nghị
Là một dân tộc trong các dân tộc vùng MNPB, người Sán Chay đã để lại một di sản NOTT vô cùng độc đáo và đặc sắc, các giá trị NOTT được thể hiện rõ đậm nét trong tổ chức không gian làng bản, bố cục khuôn viên và kiến trúc NO.
Cách dựng nhà, sử dụng kết cấu, vật liệu cũng là những giá trị văn hóa độc đáo, các giá trị này cần phải được bảo tồn và phát huy để tạo ra sinh kế cho đồng bào dân tộc Sán Chay nói riêng và nông thôn vùng núi phía Bắc nói chung.
Mô hình du lịch cộng đồng đã được áp dụng thành công tại nhiều bản làng dân tộc tại Việt Nam. Trong bài báo, nhóm tác giả đề xuất một số nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị NOTT dân tộc Sán Chay dựa trên 3 yếu tố: SINH THÁI - VĂN HÓA - CỘNG ĐỒNG.
Trên cơ sở quan điểm này, đề xuất một số định hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị NOTT dân tộc người Sán Chay. Trước tiên cần kiểm tra, phân loại có hệ thống NOTT, sau đó bảo tồn giá trị về cấu trúc không gian bản làng gắn với địa hình thiên nhiên, bố cục khuôn viên trong sự gắn kết các hạng mục công trình chính phụ và hàng rào.
Bảo tồn kiến trúc và cách sử dụng vật liệu gắn với hình ảnh “con trâu”. Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng, khai thác hiệu quả và bền vững các giá trị văn hóa truyền thônhs trong TCKG kiến trúc NOTT dân tộc Sán Chay vùng núi phía bắc.
Kiến nghị: Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo chỉnh trang không gian NOTT hiện có, đặc biệt là hệ thống cảnh quan bản làng những yếu tố cấu thành giá trị văn hóa đặc sắc.
Chính quyền địa phương cần đưa việc bảo vệ những giá trị NOTT vào các tiêu chí trong quy hoạch nông thôn mới. Đối với các doanh nghiệp du lịch, cần đẩy mạnh việc quảng bá và phát huy các tiềm năm du lịch gắn với các giá trị văn hóa trong tổ chức không gian NOTT dân tộc Sán Chay vùng núi phía Bắc. Đối với người dân cần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong tổ chức không gian song song với cải tạo không gian NOTT.
* Tít do Tòa soạn đặt - Xem file PDF tại đây
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Đình Thi (2020), Kiến trúc Nhà ở nông thôn, NXB Xây dựng.
[2]. Nguyễn Đình Thi (2022), Văn hoá và kiến trúc, NXB Xây dựng.
[3]. Nguyễn Khắc Tụng (2023), Nhà cổ truyền dân tộc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
[4]. Trần Quốc Vượng và các tác giả (1996), Văn hóa học đại cương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5]. Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc), NXB Khoa học xã hội.
[6]. Trần Bình (2019), Một số vấn đề về kiến trúc và nhà ở của các tộc người thiểu số phía bắc việt nam giai đoạn thế kỷ X – XVIII, Bài tham luận hội thảo.
[7].https://giaoducthoidai.vn/bao-ton-van-hoa-dan-toc-san-chay-gan-voi-du-lich-cong-dong-post646700.html.
[8]. https://baoquangninh.vn/nhung-ngoi-nha-san-cua-nguoi-san-chi-2317483.html.
[9]. https://danviet.vn/nguoi-san-chay-dung-nha-hinh-con-trau-7777690848.htm.