Bất động sản công nghiệp: Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới

06:23 25/08/2023
Ngày 24/8 tại TP.HCM, dưới sự bảo trợ của Bộ KH&ĐT, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề "Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới".

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam, đại diện các KCN, chuyên gia và các doanh nghiệp. Diễn đàn thảo luận về cơ hội cũng như những thách thức về thu hút dòng vốn vào BĐS công nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là sự kiện quan trọng để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận những định hướng, giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, tận dụng những cơ hội để đón nhận các dòng vốn mới, phát triển thị trường BĐS nói chung và BĐS công nghiệp nói riêng một cách lành mạnh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhiều lợi thế. Trong đó, vốn FDI thực hiện năm 2022 đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua.

Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ. Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội, Việt nam có biết tận dụng những cơ hội đó hay không là nội dung của 2 phiên thảo luận tại Diễn đàn.

Nhận diện những dòng vốn mới

Phiên thảo luận được điều phối bởi ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập báo Đầu tư cùng sự tham gia của các diễn giả: Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM, ông Chol Kyu Chul - Phó Chủ tịch Kocham, ông Bruno Jaspaeert - TGĐ Tổ hợp KCN DEEP C, ông Paul Wee - Giám đốc tài chính Công ty BW Industrial.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập báo Đầu tư điều phối thảo luận.

Nhận định về những điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Văn Sử cho rằng các nhà đầu tư trên thế giới đang thực hiện tái cơ cấu chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy và châu Á đang được quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Hiện 60% đầu tư vào Việt Nam là công nghệ chế biến, chế tạo, tập trung vào các KCN, KCX có hạ tầng ổn định. Luật Đất đai cũng quy định để tạo điều kiện chỉ có các KCN, KCX được đầu tư hiện đại và đồng bộ mới đáp ứng nhu cầu thuê của các nhà đầu tư.

Cùng với cam kết của Việt Nam tại COP26, phát triển năng lượng tái tạo trở thành tiêu chí. Vừa qua, một trong 32 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về chip và bán dẫn đã đến khảo sát tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Bộ KH&ĐT cùng các Ban ngành, Hiệp hội tại Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Paul Wee - Giám đốc tài chính Công ty BW Industrial cho biết, từ chính sách Trung Quốc +1 (khái niệm các tập đoàn lớn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc), thì Apple đã chuyển qua Ấn Độ, kế đó là Indonesia và Thái Lan là điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư.

Thế mạnh của họ là lợi thế về dân số cũng như hạ tầng các KCN, giao thông… các nhà đầu tư sẽ nhìn vào các điểm chính như: ổn định về thị trường, về chính trị, GDP và tiêu dùng của toàn dân. Mỗi tập đoàn đều có những tiêu chí đánh giá, chấm điểm cụ thể trước khi quyết định đến đầu tư tại quốc gia nào.

Nhận định về diễn biến tại thị trường Việt Nam, ông Chol Kyu Chul - Phó Chủ tịch Kocham cho rằng, ngay cả trong đại dịch Covid thì việc kinh doanh của đơn vị này vẫn đến từ các khách thuê mới và hiện nay những khách thuê này đang mở rộng kinh doanh bên cạnh khách thuê mới.

Theo ông Bruno Jaspaeert - TGĐ Tổ hợp KCN DEEP C, phía Bắc đang thu hút được các nhà đầu tư lớn và hiện đang phát triển rất tốt nhờ hệ sinh thái có sẵn, còn miền Nam có chậm hơn một chút nhưng các công ty công nghệ lại đang dịch chuyển về phía Nam. Chính sách thống nhất giữa các vùng miền và thuế tối thiểu toàn cầu là lợi thế của Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội

Phiên điều phối thảo luận nắm bắt cơ hội được thực hiện bởi ông Steven Derek Brown - GĐ Kinh doanh khối khách hàng của tổ chức Mirae Aset Securities Việt Nam cùng các diễn giả: ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), bà Dương Thị Xuân Nương - Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, bà Tôn Thị Nhật Giang - phó TGĐ KN Holdings, ông Chong Chee Keong - GĐ điều hành khối BĐS công nghiệp Công ty Frasers Property Việt Nam, bà Trang Lê - GĐ cao cấp khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam, ông Paul Tonkes - Phó GĐ điều hành Công ty ICCK.

Trao đổi về chính sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế, ông Lê Thành Quân cho rằng, phải bám sát chủ trương về những quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch quốc gia đã định hình tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng, từng địa phương nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, liên kết vùng chưa cao, dù có nguồn lao động dồi dào nhưng nguồn lực chất lượng lượng cao vẫn còn hạn chế.

Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, chúng ta đang phải chuyển từ thu hút sang hợp tác đầu tư để kiểm soát rủi ro. Hiện có thêm KCN chuyên ngành, KCN cao, KCN sinh thái, trong từng khu sẽ có những yêu cầu cụ thể riêng.

Quang cảnh Diễn đàn.

Cũng tại phiên thảo luận này, các diễn giả đều có chung nhận định BĐS công nghiệp đang là xu hướng trong những năm tới đây với dư địa và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là thị trường năng động và phát triển nhanh, có sự tham gia của các nhà đầu tư là tổ chức với khoảng 15 tổ chức và 5 quốc gia.

Đồng thời, tính đa dạng hóa cũng được thể hiện rõ khi đã có rất nhiều chủ đầu tư các KCN cung cấp thêm dịch vụ đi kèm để thu hút khách thuê. Yếu tố Xanh là yếu tố phải có thay vì nên có như 3 năm trước đây, tỷ lệ tự động hóa tăng cao… Điều này chứng tỏ các KCN tại Việt Nam đang rất biết nắm bắt cơ hội.

Bà Dương Thị Xuân Nương - Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai hiện có 31 KCN đang hoạt động có diện tích 10.514 ha với tỷ lệ lấp đầy đến 85% và 8 KCN mới với diện tích 8.600 ha, trong đó 1 khu đã có quyết định và 7 khu còn lại đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai là địa phương đi sớm nhất trong phát triển các KCN, trong các Nghị quyết Tỉnh đã chỉ đạo tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư như việc đền bù, tạo quỹ đất là một trong những nhiệm vụ chính. Nhất là việc giao đất sớm cho các nhà đầu tư.

 

Bình luận