
Đề xuất thắt chặt chính sách tín dụng với người đầu cơ bất động sản
Trước tình trạng giá BĐS tăng cao trong thời gian qua, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất giải pháp điều tiết thị trường bằng chính sách thắt chặt tín dụng với người đầu cơ BĐS và tăng cường giám sát, quản lý tín dụng.
Thứ nhất, thắt chặt chính sách tín dụng với người đầu cơ. Cụ thể, để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, các tổ chức tín dụng có thể điều chỉnh giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ hai trở lên.
Thứ hai, tăng cường giám sát và quản lý tín dụng. Chính phủ có thể áp đặt các quy định về việc kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo chi tiết hơn về các khoản vay liên quan đến BĐS, từ đó tăng cường giám sát rủi ro.
TP.HCM chốt hạn mức giao đất ở cho cá nhân
Ngày 30/9, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 69/2024/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Quyết định này quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn, tại đô thị trên địa bàn TP.HCM, theo quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 Luật Đất đai 2024. Trước đây, đất ở giao cho cá nhân và đất ở được công nhận cho hộ gia đình đều chung hạn mức và được quy định tại Quyết định số 18/2016. Tuy nhiên, lần này được tách làm hai.
Theo đó, hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại TP.HCM từ ngày 30/9/2024 được quy định như sau: Các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức, hạn mức giao đất ở không quá 160 m²/cá nhân.
Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50 m²
UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định quy định một số nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Quyết định của UBND TP Hà Nội áp dụng cho các cơ quan nhà nước, người sử dụng đất theo Luật Đất đai và các bên liên quan trong quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.
Cụ thể, về tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50 m². Tại các xã vùng đồng bằng, diện tích sau tách phải không nhỏ hơn 80 m², ở vùng trung du là 100 m², vùng miền núi là 150 m². Điều này nhằm bảo đảm quy hoạch hợp lý, tránh chia nhỏ thửa đất quá mức.
Đối với đất phi nông nghiệp, việc tách thửa phải tuân thủ các điều kiện khắt khe. Đất thương mại, dịch vụ tại phường, thị trấn phải có chiều dài và chiều rộng tối thiểu từ 4m và 10m trở lên, với diện tích ít nhất là 400 m².
13 dự án bất động sản tại Bình Định chưa đủ điều kiện mở bán
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã cập nhật danh mục các dự án khu đô thị, chung cư, nhà ở thương mại và NƠXH trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 9/2024.
Theo dữ liệu cập nhật, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 55 dự án. Trong đó, TP Quy Nhơn dẫn đầu với 17 dự án; thị xã An Nhơn với 14 dự án; Khu kinh tế Nhơn Hội và thị xã Hoài Nhơn có 8 dự án; huyện Tuy Phước 4 dự án; huyện Tây Sơn và Phù Mỹ 1 dự án. Đối với loại hình chung cư nhà ở thương mại, tỉnh Bình Định hiện có 15 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, 5 dự án chưa đủ điều kiện về nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, bao gồm 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là Chung cư 08 Trần Bình Trọng của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn; Khu phức hợp căn hộ Quy Nhơn Seaview của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD405 - Bình Định.
Cơ hội cho thị trường bất động sản Long An bứt phá
Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam vừa công bố Báo cáo nghiên cứu "Phát triển đô thị và thị trường BĐS tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, đồng thời luôn là một trong những tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Long An sở hữu các ưu thế để phát triển công nghiệp và nông nghiệp, cũng rất thuận lợi để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia. Sắp tới đây, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 - 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.