Lý do người dân TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến chung cư tại Hà Nội
Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn tiết lộ thông tin đầy bất ngờ, lượng quan tâm chung cư tại Hà Nội của người tìm kiếm BĐS đến từ TP.HCM tăng 7,5 lần từ quý I/2021 đến thời điểm hiện tại. Trong cùng khoảng thời gian, lượng tìm kiếm chung cư TP.HCM của người ở TP.HCM chỉ tăng 2 lần.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, người dân TP.HCM quan tâm ngày càng nhiều hơn đến chung cư tại Hà Nội vì mặt bằng giá khá ổn định và vẫn đang thấp hơn TP.HCM. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận cho thuê chung cư ở Hà Nội cao hơn so với TP.HCM. Cụ thể, lợi suất cho thuê chung cư Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay giao động từ 4,1% - 4,9%, còn ở TP.HCM là 3,9% - 4,5%.
Ngoài ra, trong thời gian qua, một số chủ đầu tư ở thị trường miền Nam đã tiến ra thị trường miền Bắc. Một lượng khách hàng trung thành từ miền Nam của các chủ đầu tư này quan tâm đến các dự án họ mới phát triển ở Hà Nội, góp phần đẩy lực cầu chung cư Hà Nội lên cao.
Địa phương đầu tiên công bố đường dây nóng hỗ trợ vay gói 120 nghìn tỷ đồng
Nhằm triển khai chương trình cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tỉnh Bình Dương đã công bố đường dây nóng hỗ trợ vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp số điện thoại đường dây nóng và danh sách bộ phận thường trực để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn liên quan đến chương trình cho vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, những người mua NƠXH và chủ đầu tư xây dựng NƠXH muốn tiếp cận vốn vay gặp khó khăn, vướng mắc thì liên hệ qua đường dây nóng cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương. Như vậy, với sự kiện này, tỉnh Bình Dương là địa phương đầu tiên của cả nước công bố công khai đường dây nóng hỗ trợ vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Hòa Bình công khai 19 dự án BĐS, khu đô thị chưa đủ điều kiện huy động vốn
Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản cảnh báo loạt dự án BĐS chưa đủ điều kiện huy động vốn, giao dịch trên địa bàn. Theo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, tính đến hết quý I/2024, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, giao dịch. Trong đó, TP Hòa Bình có 14 dự án, huyện Lương Sơn có 5 dự án.
Cụ thể, các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh BĐS tại TP Hòa Bình bao gồm: Dự án NƠXH cho công nhân mua, thuê và thuê mua giai đoạn II thuộc phường Hữu Nghị của CTCP Thương mại Dạ Hợp; KĐT mới Trung Minh B thuộc xã Trung Minh của Liên danh CTCP Lã Vọng Group và CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới; Khu dân cư (KDC) Thịnh Lang của Liên danh Sudico - Sudico Hòa Bình; KDC Phương Lâm của CTCP Xây dựng Sao Vàng;
KDC tại phường Thái Bình của Liên danh Công ty TNHH MTV Gia Ngân và CTCP Xây dựng và thương mại Sơn Tây; Khu nhà ở Hoàng Vân Hòa Bình, phường Thịnh Lang của Liên danh CTCP BĐS Hoàng Vân Hòa Bình và CTCP Tập đoàn Landora.
Giá bán căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận tăng 5% so với cuối năm 2023
Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý I/2024 của Tập đoàn Dịch vụ BĐS DKRA (DKRA) vừa công bố cho biết, đối với phân khúc căn hộ, dữ liệu của DKRA ghi nhận nguồn cung sơ cấp toàn thị trường quý I giảm 9,7% so với quý trước và ở mức tương đương với cùng kỳ quý I/2023. Trong đó, các dự án tập trung phân bổ tại hai thị trường là TP. HCM và Bình Dương.
Dữ liệu của DKRA chỉ rõ, TP.HCM dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 61,2% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý, phần lớn nguồn cung mới đến từ các dự án phân khúc hạng A thuộc khu Tây và khu Nam. Thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ nét, tập trung thời điểm sau tết Âm lịch, ghi nhận mức tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với phân khúc này, giao dịch tập trung tại những dự án tầm trung có mức giá từ 40 - 55 triệu đồng/m² tại TP.HCM và từ 30 - 35 triệu đồng/m² tại Bình Dương, phần lớn ở các dự án đã hoàn thiện pháp lý, tiến độ xây dựng nhanh chóng, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố.
Nhiều dự án chậm xác định giá đất làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
UBND TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi Thanh tra TP Hà Nội ban hành 10 Kết luận thanh tra về nội dung chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 10 dự án, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện Kết luận thanh tra.
Theo đó, thành phố thống nhất với các kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện; đồng thời, giao Thanh tra thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết quả thực hiện.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, 10 dự án chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gồm: Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (ô đất CT5, khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì); Trung tâm Thương mại Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng); khu nhà ở Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây); Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy)...