Tạo sự thông thoáng trong quản lý, phát triển nhà ở
Chiều 21/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, đến nay, Bộ Xây dựng đã biên soạn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023, bao gồm 12 Chương, 95 Điều; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phát triển và quản lý NƠXH.
Đối với Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Bộ Xây dựng đã biên soạn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Chung cư là phân khúc có thể cân nhắc “xuống tiền” đầu tư trong dài hạn
Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, lượng tìm mua chung cư tại Hà Nội tăng đáng kể từ quý 2/2023, đạt đỉnh vào tháng 8/2023. Sau đó lượng người bán ra chung cư lớn khiến lực cầu giảm.
Từ tháng 12/2023, lượt tìm kiếm chung cư tăng trở lại, đến tháng 3/2024 đã tiệm cận đỉnh của tháng 8/2023. Tuy nhiên, sang tháng 4, mức độ quan tâm chung cư Hà Nội lại giảm 23% so với tháng trước.
Mặc dù lượng quan tâm đã giảm nhưng giá rao bán chung cư Hà Nội không có dấu hiệu đi xuống. Theo Lịch sử giá của Batdongsan.com.vn, trong tháng 4, phân khúc chung cư bình dân dưới 30 triệu đồng/m², tăng giá 12% so với tháng trước. Căn hộ trung cấp 30-50 triệu đồng/m² cũng tăng 5% và cao cấp trên 50 triệu đồng/m², tăng 3%.
Trước tình hình hiện tại, nhiều người mua và nhà đầu tư băn khoăn có nên xuống tiền “chốt” chung cư, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, người tiêu dùng nên xác định rõ mục đích của mình, nếu mua để ở thì có thể giao dịch khi tài chính cho phép để đáp ứng ngay các nhu cầu thiết thực về an cư lạc nghiệp.
Khơi thông dòng chảy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng
Chia sẻ về cơ hội phát triển của BĐS nghỉ dưỡng tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng” do Báo Xây dựng tổ chức ngày 18/5/2024 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ.
Đặc biệt, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo thành lập các Đoàn công tác tháo gỡ cho thị trường BĐS. Nhờ đó, nhiều địa phương có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được tháo gỡ. Đây là một trong những điều kiện để khơi thông các dự án đã dừng đầu tư, tránh lãng phí, hiệu quả. Nhiều điểm "nghẽn" vướng mắc, khó khăn đang được nhiều địa phương tích cực tháo gỡ, trong đó có các dự án tại: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật và trình Chính phủ sớm ban hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 để ba bộ Luật có hiệu lực sớm từ ngày 01/7/2024.
Việc ban hành hệ thống các Luật này có những nội dung tháo gỡ, trong đó có các nội dung tháo gỡ vấn đề đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh BĐS. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc hoàn thiện, sửa đổi, tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới và sẽ có những điều thuận lợi để triển khai phát triển các dự án BĐS nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
4 giải pháp “đánh thức” căn hộ tái định cư bỏ hoang
Dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý.
Do đó, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, VARS cho rằng, việc triển khai các giải pháp phù hợp để “đánh thức" loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.
Theo VARS, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đà Nẵng sẽ giải tỏa các chung cư xuống cấp
Ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng có 3 chung cư xuống cấp nghiêm trọng gồm: Chung cư lâm đặc sản Hòa Cường, khu chung cư Thuận Phước (quận Hải Châu) và chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Theo ông Hoàng, về niên hạn công trình có niên hạn thiết kế và niên hạn sử dụng. Đối với niên hạn thiết kế, công trình tồn tại 50 - 75 - 100 năm, khi hết niên hạn thiết kế mà công trình vẫn còn tốt thì còn sử dụng được. "Khi thiết kế 50 - 75 -100 năm nhưng có ảnh hưởng do thiên tai, động đất… thì niên hạn theo thiết kế cũng giảm", ông Hoàng cho hay.
Còn về niên hạn sử dụng, được đánh giá dựa vào kết quả giám định, kiểm định chất lượng. Năm 2021, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng tổ chức kiểm định chất lượng 3 chung cư nêu trên.