
Tỉnh táo trước cơn “sốt ảo” nhà đất
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thông tin về việc đề xuất sáp nhập tỉnh, thành đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ trên thị trường BĐS. Thị trường chứng kiến nhiều nhóm nhà đầu tư vào cuộc “săn đất”, nhất là tại các tỉnh, thành dự kiến là trung tâm sáp nhập, với kỳ vọng hưởng lợi từ sự thay đổi này. Tuy nhiên, VARS cho rằng, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
VARS đánh giá, tại các địa phương trên cả nước, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá BĐS chưa quá cao.
VARS đưa ra cảnh báo, việc mua vào khi giá đã tăng mạnh thường đi kèm với rủi ro lớn hơn nhiều so với lợi nhuận kỳ vọng. Những nơi có quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách “thu hút” người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.
Thủ tướng: Không vì những ưu tiên mà hạ thấp giá trị, chất lượng NƠXH
Ngày 16/3, trong chương trình công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công xây dựng công trình NƠXH thuộc dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 1.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc khởi công dự án NƠXH tại KĐT mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 1 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Thủ tướng, NƠXH được ưu tiên trong quy hoạch, bố trí quỹ đất; ưu tiên về tiền sử dụng đất, về tài chính, nguồn vốn; ưu tiên xây dựng hạ tầng đồng bộ; có khống chế về giá, quy định lợi nhuận trong một giới hạn nhất định, nên phải bảo đảm chất lượng công trình, nhà ở.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, không vì những ưu tiên này mà hạ thấp giá trị, chất lượng nhà ở NƠXH, các cấp chính quyền phải nhận thức rõ, quán triệt điều này trong thực hiện đầu tư phát triển NƠXH.
TP.HCM công bố các đối tượng ưu tiên được thuê NƠXH
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định quy định việc ưu tiên đối tượng được thuê NƠXH do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công và các tiêu chuẩn, đối tượng, điều kiện được mua, thuê mua, thuê NƠXH trên địa bàn Thành phố
Quyết định này quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều 37, khoản 6 Điều 75 Nghị định 100/2024 về việc ưu tiên đối tượng được thuê NƠXH do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công và các tiêu chuẩn, đối tượng, điều kiện được mua, thuê, thuê mua NƠXH.
Thứ tự ưu tiên được thuê NƠXH do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công gồm: Người có công với cách mạng; thân nhân liệt sỹ; người khuyết tật; người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua NƠXH; nữ giới; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
Thị trường BĐS Việt Nam đang dần cải thiện và tăng trưởng trở lại
Theo báo cáo của Công ty quản lý đầu tư và bất động sản thương mại JLL, bất chấp những biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Cụ thể, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 25,4 tỷ USD vào năm 2024 (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước), với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các điểm nóng bất động sản trên cả nước.

“Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa những biến động của thị trường, chúng tôi nhận thấy một môi trường đầu tư được cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng và các nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn. Những yếu tố này đang củng cố vị thế của Việt Nam như một thị trường BĐS hấp dẫn ở Đông Nam Á”, bà Trang Lê, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, thị trường cho thuê văn phòng Việt Nam ghi nhận mức hấp thụ ròng hơn 43.000 m2 trong năm 2024 cho thấy nhu cầu từ doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.
Ưu tiên nguồn lực đất đai cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 18/3/2025 về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên phạm vi toàn bộ diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng liên tục đạt hai con số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.