Chung cư tại Hà Nội và TP.HCM duy trì đà tăng giá
Báo cáo về công tác quản lý thị trường BĐS 9 tháng năm 2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ số giá BĐS tháng 9/2023 so với tháng 8/2023 có những biến động.
Theo đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư để bán tăng 0,2%, nhà ở riêng lẻ tăng 0,02%, đất nền cho xây dựng nhà ở giữ nguyên không thay đổi; văn phòng cho thuê tăng 0,74%, chung cư cho thuê giảm 0,36%.
Tại thị trường Hà Nội, giá căn hộ chung cư để bán tăng 0,36%, nhà ở riêng lẻ giảm 0,01%, đất nền cho xây dựng nhà ở giảm 0,08%, văn phòng cho thuê giảm 0,01%, chung cư cho thuê tăng 1,09%.
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2023, số lượng DN gia nhập và tái gia nhập thị trường BĐS là 59,5 nghìn DN. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn quý III kể từ trước đến nay, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2022, khoảng 50,4 nghìn DN.
Gia tăng các dịch vụ ưu đãi để thu hút khách thuê BĐS công nghiệp
Việt Nam có 397 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 122 nghìn ha, trong đó, 292 KCN đang hoạt động. Bên cạnh đó, có 106 KCN khác đang được xây dựng với tổng diện tích đất 35,7 nghìn ha.
Các KCN trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%, trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 91%. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc ghi nhận 68 dự án KCN với diện tích đất cho thuê đạt 12 nghìn ha.
Theo Savills Việt Nam, giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m²/chu kỳ thuê. Khách thuê tại khu vực này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử và máy tính, sản xuất lắp ráp ô tô, máy móc và thiết bị cũng như các cấu kiện liên quan tới năng lượng mặt trời.
Giao dịch đất nền chưa có nhiều cải thiện
Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2023, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án BĐS đã tăng so với quý II/2023, tuy nhiên tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện.
Cụ thể, giá giao dịch phân khúc BĐS biệt thự liền kề, nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý III đã có sự chững lại về mức độ giảm giá so với quý trước.
Tại Hà Nội và TP.HCM, giá giao dịch tại khu vực trung tâm cơ bản ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ trong khi các quận, huyện ven đô và khu vực ngoại thành có mức độ giảm nhiều hơn.
Bài học từ quốc tế về kinh nghiệm “giải cứu” thị trường BĐS
Giữa năm 2020, Trung Quốc tung ra chính sách “ba lằn ranh đỏ" nhằm giảm rủi ro hệ thống tín dụng bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các DN BĐS, làm cạn kiệt nguồn tài chính của nhiều công ty đã mắc nợ.
Sau khi chính sách này được ban hành, các DN bắt đầu mất thanh khoản và vỡ nợ, mở đầu là sự sụp đổ của tập đoàn China Evergrande, kéo sau đó là hàng loạt tập đoàn lớn khác. Hàng trăm dự án BĐS dừng vô thời hạn. Làn sóng người mua nhà từ chối trả tiền vay ngân hàng nổ ra tại hơn 100 TP của Trung Quốc.
Tháng 12/2022, Trung Quốc đã đưa ra những chính sách mới và được hiểu ngầm là Ba lằn ranh đỏ không còn được áp dụng nữa.
Sức bật chính sách bất động sản, kỳ vọng từ 2024
Điều các thành viên thị trường mong muốn khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây là phải có tính đột phá, nhất là cởi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết liên quan đến tài nguyên đất đai.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trước phiên bế mạc vào chiều 29/11/2023, cả 3 dự án luật trên đều đã có thời gian khá dài để hoàn thiện trên cơ sở chắt lọc hàng trăm ý kiến của các đại biểu ở các kỳ họp, cùng với hàng ngàn ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp tại nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học lớn nhỏ khác nhau.
Đặc biệt, riêng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tới 12 triệu ý kiến góp ý của nhân dân cả nước, trong đó có trên 1 triệu góp ý về tài chính đất đai, trọng tâm là giá đất.