BĐS trong tuần: “Làn sóng“ kích cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp BĐS có dự án chào bán

07:02 25/11/2023
“Làn sóng“ kích cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp BĐS có dự án chào bán; Nguồn cung văn phòng khu vực phía Tây Hà Nội vẫn chiếm ưu thế; Doanh nghiệp BĐS đứng trước áp lực đáo hạn trái phiếu... là những tin tức BĐS đáng chú ý trong tuần.

“Làn sóng“ kích cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp BĐS có dự án chào bán

Dữ liệu mới công bố của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 10/2023, lượng khách tìm mua nhà đất trên toàn quốc tăng 14% và sự tăng trưởng này diễn ra trong tất cả các phân khúc BĐS bao gồm: Căn hộ, đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố...

Cụ thể, nhu cầu mua căn hộ chung cư, nhà riêng ghi nhận tăng 15%, biệt thự tăng 13%, đất nền tăng 12% và nhà mặt phố tăng 18% so với tháng trước.

Đánh giá chung về thị trường BĐS thời điểm hiện tại, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, thị trường đã và đang ở trong thời kỳ thanh lọc mạnh mẽ, an toàn cho người mua.

(Xem chi tiết tại đây).

Nguồn cung văn phòng khu vực phía Tây Hà Nội vẫn chiếm ưu thế

Thị trường văn phòng Việt Nam tiếp tục hoạt động tốt, tốt hơn so với các thị trường trong khu vực. Các dự án văn phòng chất lượng cao đang gia tăng, báo hiệu sự chuyển hướng sang các thị trường văn phòng cạnh tranh hơn, trong đó có thị trường Hà Nội.

Số liệu thống kê cho thấy, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội tăng 1% theo quý và 2% theo năm lên 2,16 triệu m² sau khi ra mắt Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội với 23 nghìn m². Trong đó, khu vực phía Tây cung cấp nhiều nhất với 41% thị phần.

Nguồn cung văn phòng khu vực phía Tây Hà Nội vẫn chiếm ưu thế

Trong khi đó, giá thuê gộp đạt 513 nghìn đồng/ m²/tháng tăng 2% theo quý và theo năm, chủ yếu tăng ở các tòa nhà hạng A. Mặt khác, giá thuê hạng A tăng 2% theo quý lên 824 nghìn đồng/m²/tháng. Ngoài ra, công suất thuê văn phòng tại Hà Nội tăng 1 điểm phần trăm theo quý nhưng giảm 2 điểm phần trăm theo năm xuống 85%.  

(Xem chi tiết tại đây).

Doanh nghiệp BĐS đứng trước áp lực đáo hạn trái phiếu

Dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố cho biết, lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận hơn 209 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nhóm BĐS chiếm 32.6%, tương đương với 68,2 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái rất nhiều.

Tuy nhiên, nghiên cứu của VARS cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các DN BĐS. Cụ thể, tổng giá trị TPDN BĐS phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn.  

Cụ thể, năm 2022, DN BĐS đã mua lại khoảng 219 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng năm 2023, DN đã mua lại khoảng 153,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm BĐS 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, lần lượt đạt 15,6 nghìn tỷ đồng và 121,1 nghìn tỷ đồng. 

(Xem chi tiết tại đây).

Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường BĐS Đà Nẵng

Báo cáo của Công ty CP DKRA Group (DKRA Group) về thị trường BĐS nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận tháng 10/2023 cho thấy, nguồn cung mới tập trung tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục là phân khúc chủ đạo dẫn dắt nguồn cung mới đưa ra thị trường trong tháng 10.

Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường BĐS Đà Nẵng

Trong khoảng thời gian này, các chủ đầu tư tiếp tục duy trì các chính sách quà tặng mở bán, chiết khấu thanh toán nhanh từ 10,5 - 17% nhằm kích cầu thị trường cũng như thu hút dòng tiền.

Bên cạnh đó, giá bán sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động, giao dịch tập trung ở những dự án sở hữu pháp lý hoàn thiện, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố.

Đồng thời, thanh khoản vẫn ở mức thấp và khó có đột biến trong ngắn hạn. Đáng chú ý, mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với lần mở bán trước đó.  

(Xem chi tiết tại đây).

Đắn đo bài toán vay tiền mua nhà

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 18,95%, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung, nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS lại giảm 1,36%.

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng đang sụt giảm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS vừa qua bắt đầu phát huy tác dụng, vướng mắc pháp lý dự án cũng dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được người dân ưu tiên thời điểm hiện tại.

(Xem chi tiết tại đây).

Bình luận