Phân khúc căn hộ tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục tăng giá
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây áp lực lên nguồn cung, thúc đẩy giá BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới.
Cụ thể, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban, ngành trong việc kiểm soát thị trường BĐS khiến nguồn cung BĐS, nhà ở sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây áp lực lên nguồn cung, thúc đẩy giá BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới. Cụ thể, dữ liệu của VARS cho thấy, trong 10 năm qua, giá địa ốc đã tăng hàng chục lần. Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ.
Xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể thị trường BĐS
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường BĐS bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể, tuy nhiên, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn... cho các dự án BĐS.
Chia sẻ quan điểm về thị trường BĐS, trong đó có các chính sách ảnh hưởng, tác động đến thị trường BĐS hiện nay tại Hội nghị Tín dụng đối với BĐS và phát triển NƠXH do NHNN tổ chức ngày 13/11, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường BĐS để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, chứng khoán, tín dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp BĐS...) đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường BĐS và cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”, hiện đang lấy lại đà.
Nhà đầu tư BĐS tìm cơ hội ở thị trường ngách
Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2022 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2023”, được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên. Quý III/2023, thị trường ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II (3.700 giao dịch) và gấp hơn 2 lần so với quý I/2023 (2.700 giao dịch).
Bà Phạm Thị Miền, Phó ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản VARS khẳng định, bức tranh tổng thể của thị trường đã xuất hiện nhiều điểm sáng, đó là những địa phương được quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP.HCM… Ngoài ra, ngày càng ghi nhận thêm các địa phương sẵn sàng vào cuộc để chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản.
Bình Định đẩy nhanh tiến độ các dự án BĐS
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu triển khai thực hiện Công điện số 993/CĐ -TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng rà soát, thống kê và phân loại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang gặp khó khăn, vướng mắc. Tích cực chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thực hiện dự án tại Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 183, trình HĐND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án Khu du lịch nghĩ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Trong tờ trình này, UBND TP Đà Nẵng cho biết, căn cứ Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và xét nội dung trình của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng và kết quả biểu quyết của các thành viên UBND thành phố tại cuộc họp ngày 26/10/2023 về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác của dự án KDL Làng Vân, UBND TP Đà Nẵng trình HĐND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 29,73 ha diện tích rừng ờ phường Hòa Hiệp Bắc.
Trong đó, 29,73 ha rừng trồng được quy hoạch là rừng sản xuất tại Quyết định số 5924/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 cần xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Việc chuyển đổi này thực hiện chủ trương theo Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021.