Nhiều người đã từng đánh giá rằng, năm 2022 vừa rồi là năm ảm đạm của thị trường bất động sản nói chung và của nhiều doanh nghiệp bất động sản nói riêng, kể cả những tập đoàn thành danh một thời.
Tuy nhiên, với Tập đoàn Văn Phú - Invest (VPI), năm 2022 lại là một năm thành công, và một trong những yếu tố tạo nên thành công đó, chính là công cuộc chinh phục công nghệ 4.0 mà doanh nghiệp đã thực hiện từ nhiều năm nay, trong đó có công nghệ BIM.
Những con số tưởng như khô khan nêu ra dưới đây đã chứng minh một thị trường đầy sức sống xung quanh VPI. Doanh thu thuần năm 2022 của VPI đạt hơn 2.154,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 43%, đạt 491,3 tỷ đồng.
Tổng tài sản của VPI ở thời điểm cuối năm đạt 10.973,5 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Ở thời điểm này, Công ty đang nắm gần 500 tỷ đồng tiền mặt.
Ngoài ra, giá trị hàng tồn kho ở mức 3.666,8 tỷ đồng, tăng 6,5% và chủ yếu tập trung ở các dự án nằm trong danh mục các dự án sẽ mang lại doanh thu cho VPI trong 2023 và 2024, bao gồm Vlasta - Sầm Sơn, The Terra - Bắc Giang và một số các dựa án khác. Phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm hơn 66% so với đầu năm, về còn 128,3 tỷ đồng.
Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm đáng kể so với đầu năm, từ 1.794,5 tỷ đồng về còn 794,5 tỷ đồng, tương đương giảm tới gần 56%. Vay nợ tài chính dài hạn ở mức 3.171,6 tỷ đồng. VPI ở thời điểm này có cơ cấu vốn cân đối với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ bằng 1…
Nêu sơ bộ như thế để thấy rằng, VPI đang hoàn toàn nắm trong tay số phận của mình trong năm nay và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo VPI cho hay, để đạt được thành công trong kinh doanh những năm gần đây, công ty đã ứng dụng công nghệ BIM vào quá trình quản lý xây dựng, khiến dự án không những kiểm chứng được ý tưởng của chủ đầu tư mà còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng công trình, tránh được sai sót, đặt ra chu trình sử dụng dòng tiền hợp lý, tiết kiệm...
Vậy BIM là gì, và nó có quá xa lạ đối với lĩnh vực xây dựng của Việt Nam?
Theo giải thích của chuyên gia thì BIM được ra đời cũng đơn giản thôi, vì đó là sự tiến hóa tất yếu của công nghệ. Từ thời kỳ các bản vẽ của kiến trúc sư trên giấy, đến kỷ nguyên của CAD (Computer Aided Design) với bảng vẽ điện tử chính xác và dễ hiệu chỉnh hơn.
Tiếp sau đó, nhờ vào sự tăng trưởng sức mạnh của phần cứng và đồ họa máy tính, tạo điều kiện cho sự phát triển của mô hình CAD-3D. Phần mềm đã có thể mô phỏng lại từng chi tiết nhỏ nhất của công trình bằng hình họa 3D với độ chính xác cao, kết hợp với quy trình BIM đưa ra những mô hình thông tin đầy đủ để hỗ trợ tối đa cho tất cả các công đoạn phát triển một dự án xây dựng.
Với BIM, một khi các thông tin được thiết lập chính xác, việc xây dựng sẽ trở nên nhanh hơn, chính xác hơn, chi phí thấp hơn. Đó chính là lý do tại sao BIM đang trở thành một xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành xây dựng trên toàn thế giới.
Chẳng hạn, BIM sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí và thời gian. Qua đây, chủ đầu tư có một cái nhìn chính xác hơn khi ước lượng các khoản đầu tư và chi phí, mọi mô hình trên BIM đều có chiều sâu và rất chính xác. Giảm thiểu các khoản phát sinh về chi phí lẫn thời gian làm việc với việc quản lý dữ liệu đồng nhất, tránh mất mát trong quá trình lưu trữ và quản lý tài liệu.
Tiếp theo, BIM sẽ giúp sự liên kết giữa các phòng ban trở nên chặt chẽ hơn, từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, MEP, dự toán... Tất cả đều làm việc trên một mô hình thống nhất, mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên, tạo thành một luồng thông tin xuyên suốt.
Tiếp nữa, mô hình 3D trong BIM mang đầy đủ các yếu tố của một công trình thực tế, giúp chủ đầu tư dễ dàng phát hiện những xung đột giữa các thành phần trong công trình, hạn chế các phát sinh khi thi công, giảm thiểu sai sót...
Đấy, khi nói đến nền công nghiệp 4.0 có vẻ xa xôi, nhưng qua những tìm hiểu như trên, nó cứ như ngay bên cạnh mình.
Chính vì những giá trị thực tiễn như vậy, ngày 17/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Trong đó quy định:
Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Quyết định quy định đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.
Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình sau: công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.
Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định…
Trở lại sự thành công của Tập đoàn Văn Phú - Invest. Tại một cuộc hội thảo chuyên đề về ứng dụng công nghệ 4.0, KTS Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển dự án Văn Phú - Invest còn cho hay, ngoài việc ứng dụng BIM trong hàng loạt dự án triển khai, VPI còn áp dụng nhiều công nghệ xây dựng khác giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng được áp dụng từ giai đoạn thiết kế đến khi ra công trường.
Chẳng hạn, đối với nhà ở thấp tầng (dưới 6 tầng), tuy quy mô không cao nhưng có nhiều công nghệ hợp lý và giúp rút ngắn nhiều thời gian, ví dụ như đổ bê tông liền khối bằng vật liệu định hình, sử dụng bê tông có tỷ lệ tro bay cao không cần xây tường. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã ứng dụng tro bay để làm gạch nung, san lấp mặt bằng… phục vụ cho ngành xây dựng.
Hay công nghệ bê tông cốt thép ứng dụng lực tiền chế; ứng dụng tấm tường bê tông nhẹ thay cho gạch nung truyền thống, ví dụ như tấm tường Acote, Xuân Mai hoặc tấm tường bê tông PolyStyren Nucewall do Đại học Xây dựng nghiên cứu.
Với biện pháp giàn giáo leo trong thi công cao tầng, một trong những minh chứng rõ ràng và toàn diện nhất về công dụng của giàn giáo leo chính là sự thành công của tòa nhà Burj Dubai với phần thô đã trở thành kết cấu cao nhất thế giới có trụ lõi của công trình cao 601 m tính từ mặt trên của bản móng. Nhà thầu thi công công trình này đã tạo nên một kỷ lục thế giới trong lịch sử khi sử dụng công nghệ giàn giáo leo với số lượng cũng như mật độ cực lớn trong suốt thời gian thi công
Một công nghệ khác cũng rất phát triển và thành công ở Úc là công nghệ bê tông đúc sẵn Precast Panels, đã được ứng dụng từ những năm 50 - 60 ở các nước trên thế giới. Nhưng ứng dụng của nó chỉ giới hạn hạn hẹp trong xây dựng chung cư thấp tầng (từ 10 - 15 tầng).
Tuy nhiên sau này, Úc trở thành nhà tiên phong ứng dụng thành công công nghệ này tại các chung cư cao tầng, và đã được áp dụng tại Việt Nam cũng nhưu một số công trình của Văn Phú - Invest.
Ưu điểm khi sử dụng Precast Panels có thể kể đến như: Thời gian thi công nhanh hơn từ 30 - 50%; giá trị phần thô rẻ hơn từ 20 - 30%; sử dụng ít thép hơn 50%; sử dụng ít bê tông hơn 25%; không dầm, không cột; không thấm; không gạch ốp lát, sử dụng các bề mặt hoàn thiện sẵn; mát hơn vào mùa hè, ấm hơn vào mùa đông; cách âm tốt giữa các căn hộ; không phải sử dụng giàn giáo bên ngoài (do thi công từ bên trong); chất lượng công trình cao hơn;…
Tóm lại, qua ý chí và thực tiễn trong nỗ lực chinh phục nền công nghệ thời đại 4.0, Tập đoàn Đầu tư Văn Phú - Invest còn thu hái được nhiều thành công khác. Chẳng hạn, tại Diễn đàn bất động sản Mùa Xuân lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023, Tập đoàn Văn Phú - Invest (VPI) đã được xướng tên ở 2 hạng mục giải thưởng quan trọng, đó là: Top 10 dự án chung cư cao cấp tốt nhất năm 2022 dành cho dự án Grandeur Palace - Giảng Võ và Top 10 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2023 cho Tổ hợp nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn.
Trước đó, dự án Grandeur Palace - Giảng Võ của VPI đã từng đạt giải thưởng “Dự án căn hộ hạng sang tốt nhất tại Hà Nội 2020” (Best Luxury Condo in Hanoi 2020) và giải thưởng “Dự án có thiết kế kiến trúc tốt nhất” (Best Housing Architectural Design)” do PropertyGuru Việt Nam trao tặng.
Còn dự án Vlasta - Sầm Sơn cũng được vinh danh ở hạng mục “Best Waterfront Housing Development” (Dự án nhà ở tiệm cận sông, suối, hồ, biển tốt nhất) tại Lễ vinh danh PropertyGuru Vietnam Property Award 2022.
Đành rằng, mọi thành công của VPI do chính những con người của VPI tạo ra, nhưng không thể không thừa nhận rằng, những công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực xây dựng và quản lý xây dựng đã và đang là nguồn động lực quan trọng giúp VPI có những bước tiến vững vàng và bài bản trong hiện tại và cả trong tương lai.