UBND tỉnh Bình Định vừa đề xuất với Bộ Công Thương về đưa các dự án điện gió và các công trình lưới điện của địa phương vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Bình Định được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm quan tâm đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và gần bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Do vậy, để có cơ sở cho tỉnh thu hút các nhà đầu tư phát triển điện gió, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa 7 dự án điện gió ngoài khơi và 8 điện gió trên bờ, gần bờ đang đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh vào trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trước năm 2030.
Cụ thể, 7 dự án điện gió trên biển gồm Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 1, 2 (đều có công suất 300 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 3 (2.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi xã Nhơn Lý (1.000 MW); Nhà máy điện gió PNE (2.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Mỹ An (1.000 MW); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định (2.000 MW).
8 dự án điện gió trên bờ gồm Nhà máy điện gió Mỹ An (50 MW); Nhà máy điện gió HCG Hoài Nhơn (150 MW); Nhà máy điện gió Phù Mỹ (125 MW); Nhà máy điện gió Mỹ Chánh (100 MW); Nhà máy điện gió Hòn Đôi (50 MW); Nhà máy điện gió Mỹ Đức (100 MW); Nhà máy điện gió Vân Canh Bình Định (150 MW); Nhà máy điện gió Vĩnh Thuận (137 MW).
Trong đó, UBND tỉnh Bình Định đặc biệt đề nghị Bộ Công Thương quan tâm đưa Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định do Tập đoàn PNE đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng quy mô công suất 2.000 MW và các công trình đường dây và trạm biến áp phục vụ đấu nối của Dự án này vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Ngoài dự án của Tập đoàn PNE đã có hồ sơ đề xuất, Công ty TNHH WPD Việt Nam cũng vừa đề xuất khảo sát, lắp đặt cột đo gió để nghiên cứu đầu tư dự án điện gió trên bờ tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh; Công ty TNHH Pondera Việt Nam cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định xin chủ trương khảo sát ven bờ nằm nghiên cứu phát triển các dự án điện gió.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW.
Nguồn năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian này và được xem là một trong những điểm nhấn trong quy hoạch ngành điện.
Cụ thể, điện gió trên bờ là 21.880 MW (14,5%); điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4%); điện mặt trời 12.836 MW (8,5%).
Cũng theo Quy hoạch, cả nước sẽ loại bỏ khoảng 13.220 MW điện than. Dự kiến điện than đạt tăng trưởng ở mức 2% trong giai đoạn 2021 - 2030, sau đó giảm xuống còn 1% giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất các nguồn điện.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, điểm đáng chú ý nhất trong Quy hoạch này là đã đưa ra chính sách ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện với công suất chiếm khoảng 30,9 - 39,2% điện năng sản xuất vào năm 2030 và khoảng 67,5 - 71,5% vào năm 2050.