Thời gian qua, vấn đề lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định đã có ý kiến rất gay gắt về khâu quản lý và báo chí cũng phản ánh rất nhiều vấn đề, cần khắc phục.
Theo đó, hiện Bình Định vẫn còn 7.313 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, chưa xử lý. Dẫn đầu, là TP Quy Nhơn có 2.362 trường hợp, kế đến là huyện Tuy Phước còn 2.027 trường hợp…
Việc này, đặt ra câu hỏi về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Sự việc càng khó xử lý khi nhiều người vi phạm là đảng viên, cựu lãnh đạo cấp tỉnh, sở, ngành.
Nói về vấn đề xử lý các trường hợp tham gia lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, quan điểm của tỉnh là xử lý cán bộ vi phạm trước để làm gương và người dân xử lý sau.
Sau hội nghị lập lại trật tự và lấn chiếm đất đai, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có kế hoạch và yêu cầu rất cụ thể, chi tiết. Các địa phương phải lập ban chỉ đạo, phân loại để xử lý và báo cáo về UBND tỉnh.
"Tất cả các trường hợp vi phạm về đất đai, chúng tôi đã công khai số liệu, tức là phải làm và làm rất quyết liệt. Những trường hợp vi phạm cũ phải xử lý triệt để. Trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép được phát hiện mới thì lãnh đạo, địa phương nơi quản lý phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật nặng", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, cần rà soát lại tất cả để phân loại, xử lý theo từng trường hợp; lấn chiếm theo hướng vi phạm nặng, có đầy đủ điều kiện vẫn cố tình lấn chiếm thì kiên quyết xử lý. Còn người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không có nhà ở, những trường hợp này mang tính an sinh xã hội, phải có biện pháp bố trí, tháo gỡ phù hợp.
"Kiên quyết xử lý vi phạm theo hướng tổng rà soát, giải quyết căn cơ theo đúng quy định. Xử lý vi phạm phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không nhẹ người này, nặng người kia" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.