Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu mục tiêu phát triển từ 8 nghìn đến 10 nghìn căn NƠXH.
Theo Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân đến năm 2030, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ phát triển 86,8 nghìn căn NƠXH so với dự báo nhu cầu 115,8 nghìn căn. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển 46,3 nghìn căn và đến năm 2030 sẽ thêm 40,5 nghìn căn NƠXH.
Để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển NƠXH theo Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân đến năm 2030, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị quỹ đất 20% đã được quy hoạch từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành để phát triển NƠXH.
Trong đó, tập trung tại 5 địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở gồm TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Bên cạnh đó, các địa phương đã rà soát tại 33 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất khoảng 100 ha để phát triển NƠXH. Dự kiến, nguồn vốn để phát triển NƠXH, tái định cư khoảng 21 nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” vào đầu tháng 12/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực để phát triển NƠXH, thực hiện thành công các mục tiêu đã đăng ký trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”.
Trong đó, tỉnh Bình Dương cần phát triển hơn nữa mô hình NƠXH kiểu mẫu, đồng thời triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển NƠXH nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng loại hình NƠXH, nhà ở cho công nhân.