Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch được công bố, đến năm 2030 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh…
Bình Dương hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP...
Dân số Bình Dương đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 80%; đạt 19 bác sĩ/10.000 dân; 35 giường/10.000 dân…
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh…
Quy hoạch giúp Bình Dương tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo tiền đề phát triển
Để thực hiện quy hoạch, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương tập trung huy động nguồn lực thực hiện và tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả; lưu ý yếu tố con người là quyết định.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải cùng các địa phương và Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ môi trường xin cho, tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.
Tỉnh phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch. Thủ tướng gợi ý Bình Dương có thể xây dựng cung triển lãm quy hoạch tỉnh.
Về nhiệm vụ của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các Bộ, ngành và Chính phủ, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng nhau làm, triển khai các nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Về nội dung xúc tiến đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy vai trò đi đầu trong thu hút đầu tư và lắng nghe nhiều hơn nữa các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo quy hoạch, phương án tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm: 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 4 trung tâm động lực; 5 phân vùng phát triển.
Trong đó, 1 trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo, lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng… làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.
2 hành lang sinh thái, gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng.
3 vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai (gồm Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5 của vùng TP.HCM).
4 trung tâm động lực: Trung tâm sáng tạo Thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; khu phức hợp Bàu Bàng; Trung tâm Văn hóa Thủ Dầu Một.
5 phân vùng phát triển: Vùng đô thị phía Nam; vùng đô thị công nghiệp dịch vụ; vùng đô thị Bàu Bàng; vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc.