Quy hoạch Thủ đô với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu”
Kết luận số 80-KL/TƯ nêu rõ, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch.
Đồng thời nhấn mạnh, các quy hoạch phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.
Quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Đồng thời tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, cần đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Ngày 24/5, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra 5 nội dung đề nghị các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện.
Cụ thể, các Bộ, ngành và địa phương cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện chương trình, dự án có vai trò vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại tự do xuyên biên giới, tăng cường liên kết hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các hành lang và vành đai kinh tế và các khu vực động lực phát triển.
Cảng biển TP.HCM quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt
Tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn; hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách.
Ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ ĐBSCL để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện.
Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 đến 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.
Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ thành trọng điểm phát triển du lịch khu vực Nam Trung Bộ
Ngày 23/5, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045.
Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ là dải không gian ven biển tỉnh Ninh Thuận, bao gồm một phần ranh giới TP Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam.
Ninh Chữ được xác định là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Quy hoạch cũng dự báo quy mô dân số (bao gồm cả dân số quy đổi) đến năm 2035 khoảng 243.574 người; đến năm 2045 khoảng 299.800 người.
Cũng theo Quy hoạch, tổng thể toàn dãy ven biển Ninh Chữ được phân bổ thành 08 phân khu theo tính chất đặc trưng của từng khu vực.
Để hoàn thiện đồ án, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị cơ quan lập quy hoạch tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định; xem xét việc xin ý kiến lại một số Bộ, ngành còn có các ý kiến băn khoăn…
Quy hoạch sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế
Bộ GTVT vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, với công suất 5 triệu hành khách/năm, tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay và 20.000 tấn hàng hóa/năm.
Đến năm 2050, công suất được nâng lên 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Quy hoạch cũng nêu rõ, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp 2.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II.
Bình Định quy hoạch khu công nghiệp ven biển thị xã Hoài Nhơn
Ngày 20/5, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến cộng đồng về việc lập đồ án Quy hoạch tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Hoài Mỹ tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự toán chi phí lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Hoài Mỹ với quy mô diện tích 600 ha.
Quy hoạch xây dựng nhằm hình thành một khu công nghiệp tập trung phục vụ công tác thu hút đầu tư, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh.
Trước đó, năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tên diện tích 468 ha tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Năm 2023, tỉnh Bình Định tổ chức lấy ý kiến cộng đồng để triển khai dự án trên nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều người dân.
Quy hoạch Phù Yên thành đô thị trung tâm, động lực tăng trưởng kinh tế phía Đông tỉnh Sơn La
Ngày 15/5, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 874/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đến năm 2035.
Tổng diện tích lập quy hoạch 1.484,48 ha. Quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 là 29.900 người, đến năm 2035 là 35.000 người.
Thị trấn Phù Yên được định hướng là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế; là trung tâm hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ chế biến nông, lâm sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Đây đồng thời là trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ và du lịch cửa ngõ phía Đông của Sơn La, kết nối giao thương kinh tế với các tỉnh lân cận; đầu mối giao thông quan trọng cửa ngõ phía Đông của tỉnh, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Về tổng thể quy hoạch, thị trấn Phù Yên sẽ hình thành 3 khu vực kiểm soát phát triển đô thị; đồng thời phát triển 06 trung tâm tạo vị thế là đô thị huyện lỵ.