Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Tự hào 65 năm xây dựng và phát triển
Được thành lập vào tháng 10 năm 1959, đến nay, Bộ môn Công trình bê tông cốt thép thuộc Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (khi đó thuộc Khoa Xây dựng - một trong những khoa đào tạo đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã trải qua chặng đường lịch sử tròn 65 năm với nhiều thành tựu cùng với truyền thống đầy tự hào của một trong những bộ môn nòng cốt Khoa Xây dựng - khoa chuyên ngành lớn nhất với những đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường.
Đây cũng chính là nền móng vững chắc để tập thể Bộ môn tiếp tục phấn đấu, vươn mình mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên mới phát triển và hội nhập.
Môn học Bê tông cốt thép được giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm học 1958 - 1959. Đến năm học 1958 - 1959, môn học này được các thầy Phạm Sỹ Liêm, Lê Văn Thưởng và Nguyễn Xuân Đặng đưa vào chương trình giảng dạy tại Khoa Xây dựng.
Năm học tiếp theo, vào tháng 10 năm 1959, Bộ môn Bê tông cốt thép được thành lập với Trưởng Bộ môn đầu tiên là thầy Phạm Sỹ Liêm và hai cán bộ giảng dạy còn rất trẻ, nằm trong số hơn 30 sinh viên xuất sắc của Khóa 1 được giữ lại trường, đó là thầy Ngô Thế Phong và thầy Nguyễn Đình Cống. Khi đó, thầy Lê Văn Thưởng và thầy Nguyễn Xuân Đặng cũng đã đứng ra xây dựng hai bộ môn mới khác là Bộ môn Cầu và Bộ môn Thủy công.
Sau khi thành lập, Bộ môn Bê tông cốt thép cùng với ba bộ môn khác là Công trình Thép, Cầu và Đường hợp thành Tổ Công trình. Đây chính là đơn vị đăng ký phấn đấu xây dựng và đạt danh hiệu thi đua “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa” đầu tiên của ngành Giáo dục đại học trong năm 1961.
Từ năm 1963, thầy Phạm Sỹ Liêm và các thầy chủ chốt khác của Tổ Công trình được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh. Các bộ môn Bê tông cốt thép, Thép và Kết cấu được hợp nhất thành Bộ môn Kết cấu công trình do thầy Bùi Tâm Trung làm Trưởng Bộ môn và thầy Lều Thọ Trình làm Phó Trưởng Bộ môn.
Với sự phát triển lớn mạnh của các Bộ môn trong Khoa Xây dựng, ngày 08/8/1966, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập Trường Đại học Xây dựng với nòng cốt là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi đó, Bộ môn Kết cấu công trình lại được tách ra thành ba bộ môn, trong đó Bộ môn Công trình bê tông cốt thép do thầy Phạm Sỹ Liêm, khi đó đã trở về nước, làm Trưởng Bộ môn và thầy Ngô Thế Phong làm Phó Trưởng Bộ môn.
Đây là những bộ môn nòng cốt của Khoa Xây dựng, khoa chuyên ngành lớn nhất với những đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường. Ngày 13/8/2021, Trường Đại học Xây dựng được đổi tên thành Trường Đại học Xây dựng Hà Nội theo quyết định số 1396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, sau 68 năm đào tạo và 58 năm thành lập, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các bậc học từ đại học đến tiến sĩ, đồng thời cũng là một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Xây dựng.
Trong 65 năm sau của chặng đường lịch sử đó của nhà trường, có sự đồng hành và một phần công sức đóng góp của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, thường được các thế hệ cán bộ giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên toàn trường nhắc tới với tên gọi ngắn gọn và giản dị là “Bộ môn Bê tông”.
Trên chặng đường 65 năm lịch sử của mình, Bộ môn Bê tông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1985 và liên tục được tặng nhiều Bằng khen các cấp như danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ, Giấy khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trường, Giấy khen công đoàn xuất sắc… cùng nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp cho cá nhân.
Chi bộ Bộ môn Công trình Bê tông cốt thép thuộc Đảng Bộ Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp cũng là một trong những chi bộ đầu tiên của nhà trường được nhận Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thành ủy Hà Nội (năm 2020).
Trong lĩnh vực đào tạo đại học, Bộ môn Bê tông giảng dạy kiến thức chuyên ngành về kết cấu bê tông cốt thép và kết cấu công trình cho các hệ đào tạo cử nhân, kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Các môn học bao gồm: Giới thiệu Ngành Kỹ thuật xây dựng, Kết cấu bê tông cốt thép phần cấu kiện cơ bản và Đồ án Kết cấu bê tông cốt thép, Kết cấu nhà bê tông cốt thép và Đồ án Kết cấu nhà bê tông cốt thép, Kết cấu gạch đá gỗ, Kết cấu bê tông cốt thép đặc biệt, Kết cấu công trình, Bê tông công trình và bê tông ứng suất trước; Công nghệ số và mô hình thông tin công trình; Kết cấu nhà bê tông cốt thép nâng cao; Kỹ năng nghề nghiệp, Đồ án tốt nghiệp... đều được đưa vào giáo trình một cách bài bản.
Trong lĩnh vực đào tạo sau đại học, Bộ môn đảm nhiệm việc giảng dạy nhiều môn học nâng cao kiến thức sau đại học trong các chương trình đào tạo thường xuyên, đào tạo thạc sĩ và các chuyên đề cho nghiên cứu sinh, bao gồm các vấn đề cập nhật và nâng cao về kết cấu nhà nhiều tầng bằng bê tông cốt thép, phân tích kết cấu theo mô hình số, động đất và lý thuyết kháng chấn, phương pháp luận nghiên cứu khoa học, phương pháp luận nghiên cứu khoa học chuyên ngành, kết cấu bê tông ứng lực trước, từ biến và lý thuyết đàn hồi nhớt, ứng xử của kết cấu bê tông cốt thép khi cháy, tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình…
Với sự hướng dẫn tận tình, tâm huyết trong chuyên môn cũng như sự chia sẻ gần gũi trong các vấn đề cuộc sống từ các thầy trong Bộ môn, nhiều thế hệ nghiên cứu sinh và học viên cao học đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ giảng dạy của Bộ môn hoặc trở về cơ quan tiếp tục phát triển sự nghiệp và đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong chuyên môn và trong quản lý của các bộ, ban, ngành, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu... trong đó có 2 nghiên cứu sinh của nước bạn Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, sau khi nhận Bằng Tiến sĩ với các đề tài luận án nghiên cứu về dự báo biến dạng co ngót của bê tông và về ảnh hưởng của tro bay tới khả năng chịu lực của cột bê tông cốt thép, lần lượt vào các năm 2019 và 2022 đã trở về đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước Lào.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ngay từ những ngày đầu thành lập, các thầy giáo thế hệ tiền bối của Bộ môn đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả kết cấu bê tông cốt thép cho công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh đất nước đang tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1959 - 1975); từ đó đặt tiền đề cho các lớp giảng viên sau tham gia tích cực trong các giai đoạn tái thiết đất nước sau giải phóng với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp (1976 - 1985); thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới nền kinh tế (1986 - 2000) và thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng (2001 đến nay).
Quan tâm, đam mê nghiên cứu khoa học chính là một trong những truyền thống đầy tự hào của Bộ môn, được các thế hệ giảng viên ngày nay tiếp nối với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp từ Nghị định thư, cấp Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ, cấp Trường và cấp Trường trọng điểm. Hàng năm, cán bộ giảng viên của Bộ môn công bố hàng chục công trình nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành cũng như trong kỷ yếu của các hội nghị khoa học trong và ngoài nước.
Các hướng nghiên cứu chính của Bộ môn tập trung vào các lĩnh vực: Từ biến và co ngót của vật liệu bê tông và kết cấu bê tông cốt thép; Kết cấu bê tông ứng lực trước; Kết cấu bê tông cốt thép sử dụng vật liệu mới; Kết cấu sử dụng bê tông cường độ cao; Kết cấu công trình cao tầng và siêu cao tầng bằng bê tông cốt thép; Kết cấu bê tông cốt thép chịu tải trọng đặc biệt; Kết cấu liên hợp thép - bê tông; Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường cho kết cấu bê tông cốt thép phù hợp xu hướng xây dựng bền vững; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu về vật liệu bê tông và kết cấu bê tông cốt thép; Áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế tiên tiến của nước ngoài vào điều kiện Việt Nam…
Bên cạnh đó, việc thực hành áp dụng chuyên môn vào thực tiễn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu, luôn được Bộ môn chú trọng. Trong nhiều năm qua, nhiều thế hệ giảng viên của Bộ môn đã biên soạn nhiều sách chuyên môn về sự làm việc và thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, tải trọng gió và động đất, kết cấu nhà nhiều tầng… trong đó một số sách được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Một số sách của Bộ môn được cập nhật và tái bản nhiều lần, không những được sử dụng làm giáo trình chính trong chương trình đào tạo cử nhân và kỹ sư ngành Xây dựng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, mà còn là tài liệu tham khảo cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công khi thực hiện các dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp theo các tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới.
Đặc biệt, Bộ môn cũng góp phần quan trọng trong việc trực tiếp biên soạn tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho thiết kế kết cấu bê tông cốt thép ở nhiệt độ thường (phiên bản 1991) và nhiệt độ cao (phiên bản 2024), đồng thời tham gia góp ý cho dự thảo của các tiêu chuẩn cốt lõi khác trong lĩnh vực xây dựng.
Bên cạnh đó, các thành viên của Bộ môn cũng tích cực tham gia các Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ các cấp, tham gia tư vấn thiết kế kết cấu và quản lý dự án cho nhiều công trình xây dựng thuộc nhiều lĩnh vực có vốn đầu tư ở trong và ngoài nước; một số thầy còn là chuyên gia và thành viên Hội đồng nghiệm thu các dự án trọng điểm cấp quốc gia.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và ngành Giáo dục, ngành Xây dựng đang cùng cả nước đẩy mạnh phát triển và hội nhập quốc tế. Nhìn về chặng đường phía trước, Bộ môn Bê tông sẽ cùng với trường Đại học Xây dựng Hà Nội duy trì và phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, tập trung thực hiện các mục tiêu chính sau: Không ngừng học hỏi, tự nâng cao và khẳng định năng lực, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao; Đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy, không ngừng cải tiến các môn học chuyên ngành về kết cấu bê tông cốt thép, vừa cập nhật tri thức mới, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, gắn liền giảng dạy kiến thức chuyên môn với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ môn Bê tông cũng tập trung nghiên cứu khoa học một cách thực chất và gắn liền với thực tiễn, khai thác và phát triển nguồn đề tài về lý thuyết cơ bản và các hướng đi mới trong kết cấu bê tông cốt thép được ứng dụng hiệu quả trong thực tế; đề xuất giải pháp khả thi để hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng hơn nữa vào việc nâng cao trình độ của giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ đó, khẳng định hơn nữa vị thế, uy tín cũng như trách nhiệm của từng giảng viên, của các Nhóm chuyên môn, của các Khoa và của toàn Trường như đã cam kết trong tầm nhìn và sứ mệnh của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với xã hội.
Chặng đường 65 năm của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã ghi dấu ấn đầy tự hào của các thế hệ thầy cô giáo đã cống hiến nhiều tâm sức xây dựng Bộ môn không ngừng lớn mạnh, đào tạo nhiều thế hệ cho nguồn nhân lực về xây dựng của đất nước.
Trải qua 65 mùa Thu ấy, truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân và tầm nhìn của cả tập thể chính là những yếu tố quan trọng nhất để các thế hệ giảng viên của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép luôn tự hào; là động lực lớn lao để các Nhóm chuyên môn mai sau, tiếp tục hướng tới những thành tựu và ghi dấu ấn mới.