Bộ NN&PTNT đề nghị đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng

16:59 23/03/2024
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng.

Ngày 21/3, Bộ NN&PTNT tổ chức công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Khu vực bãi bồi thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đông

Bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh và các ngành kinh tế

Mục tiêu chung của Quy hoạch là bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch hướng tới bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển của các quốc gia thượng nguồn.

Cụ thể, đến năm 2030 sẽ tưới, cấp nước cho 3,2 triệu ha lúa; 70% - 90% diện tích cây trồng cạn, cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu; cấp đủ nước cho khoảng 10,5 triệu con gia súc, gia cầm... Cấp đủ nước cho sinh hoạt nông thôn, chăn nuôi, thủy sản tập trung; tạo nguồn cấp cho đô thị, công nghiệp và nhu cầu khác.

Đồng thời bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tổng dung tích tăng thêm 360 triệu m3. Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu và mục tiêu nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác

Cụ thể hoá mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và tham mưu Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động lồng ghép phương án phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai trong quy hoạch địa phương phù hợp với Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu cụ thể phương án, giải pháp thực hiện mức đảm bảo phòng chống lũ trong Quy hoạch để cập nhật vào Quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, trình HĐND cấp tỉnh tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư công trình trên địa bàn; bảo đảm công tác đầu tư đồng bộ, khép kín, phát huy hiệu quả.

Nghiên cứu giải pháp nâng cao đáy sông hoặc mực nước sông Hồng

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện các dòng sông lớn ở nước ta đều có tình trạng chung "tụt" đáy do ở thượng nguồn làm công trình thủy điện, hồ chứa… khai thác cát thiếu kiểm soát, dẫn đến lòng dẫn bị hạ xuống. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và ĐBSCL.

Đối với sông Hồng, theo ông Hiệp, lòng dẫn ngày càng có nguy cơ bị hạ thấp, nên gần như các trạm bơm không lấy được nước. Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ riêng với sông Hồng mà với nhiều dòng sông khác trên cả nước, do đó cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao đáy sông lên. Nếu không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước lên.

Một mé sông Hồng chảy qua địa phận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Phúc Thọ, Hà Nội, lòng sông bị thu hẹp do bồi lắng. Ảnh: Tuấn Đông 

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Tuy nhiên, khi làm đập dâng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng phụ khác như làm dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, tác động tới hệ sinh thái, sinh vật, chất lượng nước…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa. Thậm chí có thể bổ cập nước cho những dòng sông "chết" như sông Tô Lịch, nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề môi trường.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, để thực hiện ý tưởng xây dựng đập dâng sông Hồng, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. Trong Quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng cũng đã đồng ý đưa vào để triển khai.

Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030.

Theo ông Nguyễn Quang Huân - đại biểu Quốc hội đoàn Bình Dương, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Nếu nước sông Hồng dâng cao thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp phần ngọn.

Về giải pháp, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, các cơ quan liên quan cần phải tiếp tục nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp; lắng nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có ngành điện lực để có đánh giá.

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cũng băn khoăn việc Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng và cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động tới môi trường, cảnh quan, thậm chí cả khía cạnh tâm linh khi xây dựng 2 đập dâng.

TS Đào Trọng Tứ đề nghị Hà Nội cần phải xử lý dứt điểm tình trạng xả thẳng nước thải sinh hoạt, sản xuất xuống các dòng sông. Chỉ khi làm tốt việc thu gom chất thải, nước thải tình trạng trạng ô nhiễm các dòng sông mới được cải thiện.

Bình luận