Nội dung trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025 diễn ra chiều 05/02.

Theo đó, để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bám sát các mục tiêu đề ra.
Theo ông Đào Minh Tú, năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, tăng trưởng tín dụng đạt 15,08% so với cuối năm 2023, tương đương tăng khoảng 2,1 triệu tỷ đồng.
Năm 2025, đồng hành với Chính phủ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 và ở mức cao so với nhiều năm gần đây.
"Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế trong năm nay", ông Tú cho biết.
Về các giải pháp cụ thể, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trước tiên phải đảm bảo thanh khoản và nguồn vốn cho nền kinh tế, thông qua việc huy động vốn từ các nguồn như Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành phù hợp, điều hành lãi suất ổn định, đảm bảo phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp các quan hệ vĩ mô khác. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chung.
Về thị trường ngoại tệ, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo tỷ giá hợp lý, tránh tâm lý găm giữ, đối phó.
Về các chính sách hỗ trợ, giãn hoãn nợ, Phó Thống đốc khẳng định sẽ được áp dụng thích hợp; các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, chính sách tiền tệ cần được phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, thương mại, cơ cấu kinh tế,..; song song với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như tín dụng ưu đãi...
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (tháng 11/2024), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%.
Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương của Đảng họp hồi tháng 01/2025 đã chỉ đạo và Chính phủ vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (tại phiên họp thứ 42 diễn ra sáng 05/02) Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đây là nội dung dự kiến sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường thứ 9 sẽ diễn ra từ 12-18/2 tới.