Theo số liệu thống kê từ Savills Việt Nam, trong tương lai, thị trường Hà Nội sẽ có thể thiếu hụt nguồn cung tương đương hơn 95 nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn trong khi lạm phát và lãi suất cao ảnh hưởng đến tình hình hoạt động.
Báo cáo Thị trường bất động sản (BĐS) của Savills Việt Nam chỉ rõ, những khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ tại Hà Nội trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp quý I/2023 giảm 4 điểm phần trăm theo quý và theo năm với hơn 19 nghìn căn hộ.
Trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2 nghìn căn hộ tới từ 02 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 02 dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Đáng chú ý, giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu đồng/m², ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra và nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C vẫn ở mức thấp.
Tại thị trường Hà Nội, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu. Cụ thể, 92% nguồn cung căn hộ tại khu vực phía Tây trong quý I/2023 là hạng B. Từ năm 2024 trở đi, căn hộ hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo với 60% thị phần nguồn cung tương lai.
Trong khi nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu về nhà ở sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030. Với đà phát triển này, nguồn cầu dự kiến đạt khoảng hơn 426 nghìn căn hộ.
Theo nhận định của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu & tư vấn, Savills Hà Nội, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm và giá sơ cấp trung bình neo cao đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng.
Từ năm 2018 đến năm 2022, giá sơ cấp trung bình của căn hộ đã tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm -14%/năm. Trong quý I/2023, giá sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp 48%.
Theo Giám đốc cấp cao, bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, đến năm 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36%/năm, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường thứ cấp.
Đồng thời, thị trường thứ cấp được cho là lựa chọn tối ưu cho người mua không chỉ bởi giá thấp hơn sơ cấp mà còn bởi tính pháp lý rõ ràng của sản phẩm. Những sản phẩm ở thị trường thứ cấp dù đã qua sử dụng nhưng pháp lý minh bạch sẽ thu hút nguồn cầu.
Cũng theo đánh giá của bà Hằng, khả năng hồi phục của thị trường phục thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp.
Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua từ giờ cho tới cuối năm, như Luật Nhà ở (Sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi). Gần đây, Chính phủ đã ban hành một số chính sách giúp gỡ khó về nguồn cung cho thị trường BĐS...
Dù sẽ mất thời gian để thị trường có thể thẩm thấu, nhưng những động thái này được xem là “liều thuốc” trợ giúp minh bạch hóa nguồn gốc cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn, để thị trường có thể kỳ vọng từ năm 2024 sẽ có thêm nguồn cung mới.
Dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có hơn 86 nghìn căn hộ từ 98 dự án sẽ mở bán, không tránh khỏi việc căn hộ hạng B vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo.
Tuy nhiên, với việc nguồn cung được bổ sung vào thị trường sẽ có thể tác động tới điều chỉnh lại mặt bằng giá và cải thiện số lượng căn hộ bán ra. Khi đó niềm tin của nhà đầu tư và người mua sẽ quay trở lại, thúc đẩy thị trường căn hộ sôi động hơn.